Đọc sách là một thói quen tốt. Tuy vậy, không ít người có những quan niệm sai lầm về việc đọc sách, kéo theo là những hậu quả khó ngờ tới. Dưới đây là 5 nhận định lệch lạc khá phổ biến.
1. Sách luôn luôn đúng
Có hai nhóm người có niềm tin này. Thứ nhất là những người ít đọc sách, thứ hai là những người đọc sách quá nhiều.
Với những người ít đọc, họ dễ dàng tin và thần tượng một tác giả hoặc một nhà văn, sau đó hình thành niềm tin sách luôn luôn đúng. Niềm tin này cũng có thể bắt nguồn từ nền giáo dục ta được hưởng trong suốt quá trình lớn lên. Nhớ lại ngày xưa, mình đã từng đặt ra những câu hỏi cho giáo viên, nhưng vì sự quyền lực của thầy cô kèm theo sự yếu ớt và non nớt của một đứa trẻ, mình hiếm khi đi đến cùng với một câu hỏi. Để rồi, mình nghĩ giáo viên luôn luôn đúng, và hơn ai hết, họ chính là đại diện cho sách giáo khoa. Nếu nghĩ kỹ một chút, sách giáo khoa cũng là sách thôi. Và khi có niềm tin này, những người ít đọc sách có thể dễ dàng tin tuyệt đối vào những quyển sách.
Một nhóm khác là những ai đọc quá nhiều ở một dòng sách (làm giàu, phát triển bản thân,…) họ cũng thường dễ tin rằng sách là chân lý. Khi đọc sách, ví dụ như làm giàu hay phát triển bản thân, bạn sẽ dễ rơi vào vòng xoáy của lời hứa. Những tác giả viết dòng sách này có thể xuất phát với động cơ tốt, nhưng với mục đích truyền động lực cho người đọc, rất nhiều những lời nói, lời hứa, câu chuyện thực tế được bày ra để thuyết phục độc giả. Tuy vậy, người đọc khác với người viết. Những điều tác giả chia sẻ không sai, nhưng khả năng cao nó khó ứng dụng vào thực tế. Thậm chí có những người đọc sách không phải để ứng dụng, họ chỉ muốn xoa dịu khát khao làm giàu, đổi đời trong khi không có những hành động cụ thể.
Ta cần rõ với nhau, rằng sách được tạo ra bởi một cá nhân hay một nhóm người nào đó, mà mỗi tác giả sẽ có những thế giới quan riêng biệt và những trải nghiệm cá nhân. Thêm vào đó, không phải người viết sách nào cũng có sự sâu sắc trong cuộc sống hay những góc nhìn đáng để mình nghe theo, thậm chí là viết rất giỏi nhưng không làm được.
Nếu tất cả mọi quyển sách đều là sự thật hay chân lý, có lẽ bạn đã không phải chật vật đi tìm những đầu sách hay.
Chuyện đọc sách là tốt, nhưng không phải cuốn sách nào cũng đúng. Tư duy này là cần thiết để trong quá trình đọc, bạn có nhiều hơn sự chọn lọc, hạn chế tin vào những điều sách nói là đúng, luôn nghe theo và xem là tuyệt đối. Điều này cần xuất phát từ việc chọn sách đến kỹ năng đọc sách của mỗi người.
2. Đọc sách sẽ thành công
Những người yêu sách, nhà xuất bản và những người cổ vũ văn hóa đọc hay sử dụng thông điệp này để khuyến khích những người xung quanh đọc sách. Một số bài viết như: “Đọc sách, thói quen của những người thành công”, “ Đọc sách như thế nào để thành công như Bill Gates?”. Ở đây, bạn cần định nghĩa thành công của xã hội là gì? Thường định nghĩa chung về thành công là tiền bạc, địa vị, danh tiếng. Ví dụ như những cô chú ở Shark Tank, những doanh nhân thành đạt sẽ được gọi là thành công vì họ có thu nhập cao, có một chức vụ hay địa vị trong xã hội. Hay những ca sĩ, diễn viên cũng được gọi là thành công vì có sự nổi tiếng và thu nhập cao. Đây thường là thành công đang được định nghĩa trong xã hội hiện tại.
Vậy để những người doanh nhân, làm kinh doanh thành công, họ phải làm gì? Học tập, rèn luyện và đọc sách là câu trả lời. Quan trọng hơn, đâu là thể loại sách họ chọn đọc? Khả năng cao những dòng sách về quản trị, kinh doanh, chiến lược, marketing, nhân sự,… sẽ là ưu tiên hàng đầu bởi những quyển sách ấy hỗ trợ khả năng làm việc hiệu quả và thăng tiến trong môi trường làm việc. Tất nhiên, họ cũng sẽ có những khoảng thời gian dành cho những dòng sách khác như tiểu thuyết. Nhưng nếu một CEO nào đó quá ưu tiên và say mê đọc tiểu thuyết, có thể ông ấy là CEO của nhà xuất bản sách. Vì phải đọc nhiều mới có thể hiểu và phát hành sách được.
Mình nghĩ để tối đa hóa lượng kiến thức trong sách, đọc nhiều là một phần quan trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ sa đà vào chuyện giải trí hoặc thu nhập kiến thức không có tính ứng dụng, việc đọc sách không tạo ra được nhiều giá trị.
Vậy nên, người thành công có thể đọc sách, nhưng đọc sách nhiều chưa chắc sẽ thành công.
3. Hãy yêu một cô gái/chàng trai thích đọc sách
Có rất nhiều bài viết cho quan điểm này: “Bạn nên hẹn hò với những chàng trai thích đọc sách”, “5 lý do nên yêu chàng trai thích đọc sách”… Những bài viết như vậy thường đề cập đến những phẩm chất, tính cách của người thích đọc sách như là: tâm hồn sâu sắc, sự tĩnh lặng, bình yên,… Mình lại nghĩ, quan điểm này được viết bởi một người thích đọc sách nhưng không có người yêu, kaka.
Đọc sách với mình chỉ là một trong rất nhiều sở thích khác nhau. Thích đọc sách cũng chỉ nên là một trong nhiều tiêu chuẩn để chọn người yêu. Bởi bạn có thể có một người yêu thích đọc sách nhưng niềm vui, hạnh phúc của một mối quan hệ không quá phụ thuộc vào sở thích này. Những người đọc sách thường có những đặc điểm như là: yêu chữ nghĩa, yêu văn học, yêu tưởng tượng, yêu sự tĩnh lặng khi đọc sách,… nhưng những điều này không đồng nghĩa với một người yêu tuyệt vời.
Một người đọc sách sẽ có tất cả những điểm mạnh và yếu như bao người khác. Ví dụ như người ấy có thể diễn giải rất tốt trên mạng xã hội nhưng lại rụt rè khi tiếp xúc trực tiếp bên ngoài. Bạn cần làm rõ, đọc sách chỉ đơn thuần là sở thích và bước đầu tiên trong quá trình hình thành sự sâu sắc ở mỗi người.
Nếu một xã hội tôn vinh việc đọc sách là hình mẫu cần noi theo thì có lẽ, xã hội đó vẫn đang thiếu những người đọc sách. Vì nếu ai cũng đọc sách, hoạt động này chỉ là sở thích thông thường. Bởi vì thiếu, nên mới tôn vinh lên. Bởi vì thiếu, mới cho đó là hình mẫu.
4. Đọc fiction chỉ là giải trí
Fiction là những quyển tiểu thuyết, văn học, thơ,… Nhận định đọc fiction để giải trí là đúng, nhưng chưa đủ. Ví dụ như Harry Potter, đa phần mọi người đọc để giải trí, nhưng có thể bạn sẽ học được nhiều thứ từ bộ truyện này từ việc theo dõi hành trình trưởng thành của cậu bé Harry Potter và quan sát những tính cách của từng nhân vật để rút ra những bài học cho riêng mình.
Quan trọng hơn, tiểu thuyết cho bạn không gian để tự do tưởng tượng, khác với phim ảnh, nơi mọi thứ đều được bày ra trước mắt và giúp bạn có những giây phút choáng ngợp bởi âm thanh, hình ảnh và cảm nhận chân thực từng thước phim, nhưng đó là thế giới do đạo diễn, diễn viên chủ định tạo ra để người xem nắm bắt được cốt truyện, nhân vật và nội dung. Sách lại cho bạn một trải nghiệm hoàn toàn khác. Khi đọc, nhân vật sẽ do tác giả xây dựng, còn hình ảnh, dáng đứng, cách kể chuyện, câu chuyện, cảm xúc là do bạn tưởng tượng ra. Một thế giới tự tạo ra bên trong, một thế giới không biên giới. Đó sẽ là những chất liệu để sáng tạo và thả vào cuộc sống bạn những điều mới mẻ.
Tương tự như bạn đọc Phía sau nghi can X – cuốn sách trinh thám của Higashino Keigo. Trinh thám là thể loại truyện nói về kẻ giết người, người điều tra hung thủ và cuối cùng phơi bày sự thật ra ánh sáng. Tính giải trí của thể loại này là rất cao vì ở những trang đầu tiên, tình tiết sẽ được hé lộ và kết lại với những cú twist đầy tính bất ngờ. Nhưng nói sách trinh thám chỉ để giải trí thì không đúng. Phía sau nghi can X cho bạn nhiều cơ hội học tập về tư duy logic, khả năng lập luận, sự chú tâm đến những chi tiết nhỏ, và những bài học về sự hi sinh, sự cô đơn.
Fiction còn là truyện tranh dễ tiêu thụ. Lúc mình tầm học sinh lớp 7-8, truyện tranh là nơi định hình thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị sống của mình. Sau những chuyến phiêu lưu của các nhân vật, mình hiểu hơn về sự hy sinh, lý tưởng sống, sự giúp đỡ, tình mẫu tử, tình cha con,… Nếu bạn nào đọc One Piece, 7 viên ngọc rồng, bác sĩ quái dị sẽ cảm thấy giá trị những bộ truyện tranh này là vô cùng xuất sắc.
Giải trí chỉ là một trong nhiều vai trò của dòng sách này. Đặc biệt, fiction đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng tâm hồn của một người.
5. Non Fiction chỉ là sách làm giàu
Một số bạn sau khi đọc vài cuốn non-fiction trong sự khó khăn và khó vào thì đã vội vàng kết luận: “Non-fiction quá khô khan, không hợp với bản thân”. Tương tự với fiction, chuyện đọc non-fiction khó khăn là đúng, nhưng chưa đủ.
Con người thường thích những câu chuyện. Như hồi bé, chẳng phải bạn đã vô cùng phấn khích khi nghe kể chuyện vì sự đơn giản và dễ hiểu, nhưng lại đau đầu để nhớ những con số hay dữ kiện hay sao.
Non fiction là thực tế, mà thực tế chưa hẳn đã tươi đẹp. Không phải hiện thực nào dễ tiếp thu và dễ chấp nhận.
Nếu bạn vẫn còn niềm tin non-fiction là dòng sách khô khan, chỉ để làm giàu, có thể bạn đã mất đi cơ hội để trải nghiệm những điều tuyệt vời với non-fiction.
Mình rất thích những đầu sách của Osho, nhưng đến khi đọc quyển tự truyện của ông, mình mới có cơ hội hiểu sâu vì sao Osho lại có sự nổi loạn và những tư tưởng khác biệt đến như vậy. Hiểu biết được quá khứ và tuổi thơ dưới sự nuôi nấng của ông bà giúp mình tỏ rõ vì sao ông có thể tự tin chia sẻ quan điểm bản thân với toàn thế giới.
Có lẽ mình sẽ phải tiếp tục ăn chay với những món xào, luộc, hấp đơn điệu nếu không đọc những quyển về dinh dưỡng, sức khỏe, hay công thức nấu chay. Từ hiểu biết rút ra từ quyển sách, mình đã có những bữa cơm chay vô cùng ngon miệng được nấu bởi vợ mình.
Nếu không tìm hiểu về những đầu sách về kinh doanh, sẽ khó khăn hơn để mình biết đến những đầu sách như “Sức mạnh của sự tử tế” hoặc “khách hàng trọn đời”; và kênh youtube Vui Lên cũng không được xây dựng như bây giờ. Có thể bạn sẽ thấy mình không thường xuyên kêu gọi việc like, share, hay subscribe trên kênh vì mình thấy nội dung kênh chỉ phù hợp với vài đối tượng nhất định. Mình không muốn lấy đi sự tự chú ý của tất cả mọi người.
Non fiction có thể chỉ khô khan khi bạn không có nhu cầu. Ngược lại, nếu bạn xác định rõ mục đích đọc ngay từ ban đầu, thể loại này có thể trao cho bạn những trải nghiệm thú vị và sống động. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết cách đọc sách non-fiction của mình tại đây
Hi vọng phần chia sẻ này có thể giúp bạn nhận thức rõ hơn về việc đọc sách, tránh thần thánh hóa hay coi thường hoạt động này. Từ đó, bạn có thể đọc sách tự do và cho bản thân nhiều hơn những cơ hội để trải nghiệm nhiều dòng sách khác nhau, coi sách là một người bạn, luôn sẵn lòng chờ đợi và cùng bạn trưởng thành.