5 bước đọc sách non-fiction hiệu quả

Với dòng sách non-fiction, một số bạn nói với mình rằng bạn đọc không nổi, một số lại cảm thấy nó rất khô. Vài bạn khác thì thấy ngán, một số bạn lại thấy quyển nào cũng như nhau.

Thực ra nó không hề giống nhau. 

Các bạn thấy giống nhau là vì các bạn đọc self-help. Và mình nghĩ mình nên chia sẻ cách đọc non-fiction của mình để bạn có thể dễ tiếp cận hơn với dòng sách này.

Mình đã đọc rất nhiều sách fiction lẫn sách non-fiction. Và thật ra cách để đọc sách fiction mình nghĩ là không khó. Đối với fiction, chúng ta chủ yếu đọc các câu chuyện trong đó. Và các câu chuyện từ fiction thì thường rất hấp dẫn, trái với non-fiction.

Vì vậy mình sẽ chia sẻ cách đọc sách non-fiction của mình, hy vọng nó sẽ phù hợp với bạn. Có 5 bước mình hay làm khi đọc sách non-fiction.

Bước 1: PHẢI BIẾT RÕ NHU CẦU CỦA MÌNH.

Tức là mình phải biết được mình đọc cuốn sách đó để làm gì? Mục đích, nhu cầu, mong muốn của mình sau khi đọc cuốn sách đó là gì?

Thứ nhất, mình thấy đa phần khi chưa có kĩ năng chọn sách và chưa hiểu rõ được việc đọc sách, chúng ta có xu hướng thấy sách best seller ở đâu, thì mình mua về ở đó. Vì nếu không mua, cảm giác FOMO (Fear of missing out) sẽ xuất hiện. Mọi người đều đọc quyển sách best seller đó, còn mình thì chưa. Bạn sẽ có cảm giác mình là đứa còn sót lại trên thế giới này nếu chưa đọc nó. Đó là hiệu ứng tâm lý thông thường. Khi mình chưa đủ trưởng thành, chưa đủ hiểu biết thì sẽ dễ bị dính vào. 

Chúng ta có xu hướng mua những cuốn sách bán chạy (Photo by James Sutton on Unsplash)

Điều thứ 2 làm mình nhớ lại ngày xưa. Khi có ai post trên facebook hoặc instagram hoặc một page nào đó với nội dung kiểu như: Những cuốn sách phải đọc, những cuốn sách nên đọc, những cuốn sách phải đọc trước khi 30 tuổi, trước khi cưới vợ  trước khi lấy chồng, thì again, fomo xuất hiện. Mình muốn đọc những cuốn sách đó để cảm thấy ổn, thấy thoải mái và an toàn. Hoặc đơn giản là ai đó khen cuốn sách này rất hay (ví dụ những bạn booktuber), rồi thì mình mua ngay. Sau khi đọc xong, lại thấy chẳng hay chút xíu nào cả. Thật tệ, cuốn sách không hợp với mình.

Vấn đề đều bắt nguồn từ một chuyện duy nhất. Bạn đang đọc, đang chọn sách vì nhu cầu của người giới thiệu, người bán sách, những người bên ngoài chứ không phải vì nhu cầu của bạn. 

Đọc sách mà không có nhu cầu giống như việc bạn đã ăn no rồi, mà phải ăn thêm một, hai hoặc ba tô nữa thì bạn sẽ thấy rất ngán. Nhưng nếu đang đói, bạn đang có nhu cầu, việc bạn đọc cuốn sách đó sẽ rất phù hợp. 

Ví dụ, những bạn hướng nội thông thường sẽ không thoải mái lắm khi đứng trước đám đông để nói chuyện. Những bạn hướng ngoại thì ngược lại, thoải mái hơn khi đứng trước đám đông. Nhưng dù hướng nội hay hướng ngoại thì bạn đều có sự rụt rè nhất định, và không cảm thấy thoải mái trong một số trường hợp. 

Tại vì sao? Public speaking – nói chuyện trước đám đông, trong một số tài liệu mình đọc được, là nỗi sợ lớn nhất của con người. Hơn cả việc bị chết, gặp rắn, tai nạn giao thông, hay mất đi người thân. 

Việc đứng lên và nói trước đám đông khoảng tầm 50, 100, 200 người thì dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, bạn đều run thấy run sợ. Duy chỉ có kiểu run và mức độ run khác nhau. Bạn hướng nội thì có thể mức độ run nhiều hơn. Nhưng hướng ngoại thì vẫn run như thường. 

Nói trước đám đông là nỗi sợ lớn của bất kỳ ai khi chưa có kỹ năng

Bạn cần phải tìm những cuốn sách về public speaking. Để làm gì? Để chúng ta hiểu về tâm lý của một người nói trước đám đông. Làm thế nào để mình tương tác với khán giả? Mình nền sử dụng eye contact của mình như thế nào cho hiệu quả? Làm thể nào để mình sử dụng body language của mình?

Nếu không đọc non-fiction về việc nói trước đám đông, mình sẽ không biết sử dụng đôi tay này như thế nào để diễn tả điều mình đang nói tới. 

Hãy để ý, khi nói chuyện trước đám đông, đôi tay của bạn sẽ rất thừa thải. Bạn thường khoanh tay, chống cằm, hoặc làm nhiều thứ. Bạn không biết cách sử dụng đôi tay của mình. Ngược lại, nếu xem video của mình trên youtube, bạn sẽ thấy mình sử dụng đôi tay rất linh hoạt. Khi đôi tay của mình linh hoạt như vậy thì bạn sẽ không để ý đến nó quá nhiều nữa. Và bản thân của mình, một người nói trước camera, mình cũng tự tin vì mình biết cách để làm chủ ngôn ngữ cơ thể của mình. 

Ngày xưa mình rất ngại khi sử dụng eye contact, nhưng khi tìm hiểu qua public speaking qua non-fiction, mình biết được vai trò của eye contact. Mình bắt đầu tập luyện và ứng dụng nó trong public speaking. Mình cảm thấy rất hiệu quả. Từ một người vô cùng nhút nhác trước đám đông, năm lớp 12 mình đã rất run khi đứng trước lớp nói chuyện. Nhưng đến năm 2, 3 đại học mình đã có thể nói chuyện trước 1000, 2000 người và mình cảm thấy rất tự tin, rất thoải mái với việc đó. 

Lý do rất đơn giản. Mình đã đọc được những cuốn sách non-fiction phù hợp để rèn luyện kĩ năng mà mình cần khi đó.

Đọc sách non-fiction theo nhu cầu giúp mình hoàn thiện được kỹ năng cần thiết.

Ví dụ cuốn “Cuốn sách hoàn hảo về ngôn ngữ cơ thể” để mình hiểu về ngôn ngữ cơ thể của mình. Hoặc cuốn “Bí quyết thuyết trình của Steve Jobs”. Sau khi đọc cuốn này, mình phân tích những bài thuyết trình của Steve Jobs để xem cách ông ấy đứng, đi, nhả chữ như thế nào, để học hỏi những tips trình bày. 

Nói tóm lại, ở bước một này, nếu như bạn biết rõ nhu cầu của mình, bạn biết rõ mình muốn gì, thì việc bạn chọn non-fiction sẽ tốt hơn rất nhiều. Ngược lại, khi không biết rõ nhu cầu của mình mà bạn cứ mua sách về đọc, nó không khác gì việc không ngứa mà cứ phải gãi. Kết quả là không có kết quả nào cả. Không có hiệu quả cũng như động lực của bạn sẽ không lớn. 

Bước đầu tiên này mình thấy rất quan trọng. Bạn phải tìm được cuốn sách phù hợp với nhu cầu của bản thân. Nếu như không có nhu cầu mà bạn chỉ đọc vì nó được giới thiệu đâu đó, vì bạn thấy nó, thì bạn vẫn đang đọc vì đám đông, vì người khác, vì hiệu ứng tâm lý chứ không phải vì bạn thực sự có nhu cầu với cuốn sách đó.

Bước 2: TÌM SÁCH PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU CỦA BẠN

Ở bước 2 này, mình chia thành 2 bước nhỏ

2.1 Tham khảo.

Bạn có thể tham khảo những người chuyên môn trong lĩnh vực đó. 

Ví dụ mình muốn đọc sách về psychology – tâm lý, thì mình sẽ tìm giảng viên về tâm lý học, người nghiên cứu về tâm lý học, hoặc các tác giả về tâm lý học. Khi tìm sách được họ giới thiệu, hoặc chính họ viết thì khả năng cuốn sách đó phù hợp với nhu cầu của mình cao hơn rất nhiều.

Bạn phải nhớ mình phải tìm những người có chuyên môn.

Người có chuyên môn sẽ giúp cho bạn khá nhiều trong việc chọn sách non-fiction theo nhu cầu của bạn

Có một lần mình review cuốn sách “Tứ đại quyền lực – The four”, cuốn đó mình thấy không quá xuất sắc và mình có trao đổi với bên nhà xuất bản như vậy. Nhà xuất bản có nói là cuốn này được một dịch giả có chuyên môn trong mảng này giới thiệu. Nhưng mà mình nghĩ cuốn The four, cuốn sách nói về Amazon, Apple, Google, Facebook là những đế chế kinh doanh cực kì lớn trên thế giới và để hiểu về những đế chế này thì bạn phải làm trong lĩnh vực công nghệ hoặc bạn phải nghiên cứu rất tốt về nền kinh tế Mỹ. Ở Việt Nam, mình nghĩ nếu là một dịch giả thì chuyên môn không đủ nên mình vẫn giữ quan điểm của mình là cuốn đó không đủ xuất sắc đối với mình. Ít nhất mình đã từng làm trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường (trong nghiên cứu thị trường, có một mảng về data analysis, mình hiểu biết về mảng đó khá tốt). Để xác nhận cuốn sách đó không quá xuất sắc, mình đã hỏi sếp cũ của mình – một người có chuyên môn, rất giỏi trong việc phân tích dữ liệu. Chị xác nhận rằng không thấy cuốn sách đó hay. Thêm nữa chị là người đọc sách bình thường, không phải là người review sách, nên chị cũng băn khoăn không biết nói với ai. 

Việc tìm những người có chuyên môn để hỏi về các đầu sách của họ rất quan trọng khi tìm các sách non-fiction.

Tham khảo các bạn booktuber. 

Ở Việt Nam, đa số các bạn booktuber review sách fiction. Không chỉ ở Việt Nam mà mình thấy trên thế giới các bạn booktuber cũng có xu hướng review sách fiction nhiều hơn non-fiction. 

Sau khi nhìn một lượt thì mình thấy có 2 kênh có thể chia sẻ với các bạn được: Thảo Nguyên và Tuấn look. Kênh của Thảo Nguyên mình thấy khá cân bằng giữa giữa những đầu sách non-fiction và fiction luôn, nên các bạn có thể tham khảo. Kênh thứ 2 là kênh Tuấn look, bạn này mới nổi và phần lớn bạn review sách non-fiction. Bạn cũng rất thân thiện. Còn đa phần các bạn booktuber khác ở Việt Nam làm fiction, nếu các bạn thích sách fiction thì có thể tìm những bạn đó, họ sẽ là những nguồn tham khảo rất tốt dành cho bạn.

Tham khảo từ các bản tóm tắt.

Mình hay dùng Blinkist, một ứng dụng tóm tắt sách.

Blinkist có gần 3000 đầu sách, trong những cuốn sách non-fiction hay nhất đều có mặt. Một bài tóm tắt nội dung sách gồm tầm 8-12 trang. Vì công việc của mình phải đọc và nghiên cứu rất nhiều nên mình đã mua và sử dụng app này. Chi phí tầm 70$/ năm. Sau khi tham khảo các booktuber, hỏi những người chuyên môn, mình sẽ lên Blinkist để đọc bản tóm tắt những cuốn sách mình cần. Khi đọc những ý chính, cảm thấy hứng thú thì sẽ qua bước thứ 2 của phần này. 

2.2. Lên Goodread- cộng đồng đánh giá, review sách lớn nhất thế giới. 

Thông thường cuốn nào đạt 4.3/5 trở lên thì cuốn đó đủ hay. Còn mình thì dễ hơn chút xíu, 4.0 là mình thấy hay rồi, với non-fiction là vậy. Sau khi hỏi xong, đọc tóm tắt xong, tra cứu trên Goodread, nếu nó thỏa mãn tiêu chí trên 4.0 thì mình có thể đọc nó.

Bước 3: CHỌN 3 – 5 CUỐN SÁCH NON-FICTION TRONG CHỦ ĐỀ BẠN QUAN TÂM

Những cuốn sách non-fiction về fact, thông tin, quan điểm, góc nhìn, mang tính chất cá nhân rất nhiều. Nếu như chỉ đọc một tác giả thì bạn rất dễ bị lệch và khó để so sánh. 

Thông thường mình sẽ chọn từ 3-5 cuốn sách trong một chủ đề nào đó. Khi đọc từ 3-5 cuốn, mình sẽ có góc nhìn tổng quan. Đầu tiên là những điểm chung của những tác giả này. Mình cũng thấy những quan điểm, góc nhìn, tìm kiếm cái riêng, cái hay của từng tác giả. Điều này giúp mình có được một bức tranh vừa toàn cảnh, vừa chi tiết về chủ đề mình quan tâm. Khi mình đọc 3-5 cuốn đã được chọn lọc, cho dù có sách mới ra thì mình không nhất thiết phải đọc thêm nếu đã thấy ổn. 

Bạn hãy nhớ bước 1 là đọc đúng nhu cầu. Ví dụ chuyện thay đổi thói quen của mình, mình chỉ đọc đúng 3 cuốn : Mini habits, Atomic habits và Power of less. Nếu như đọc 3 cuốn đó mình đã hiểu ngọn ngành gốc rễ của chuyện thay đổi thói quen, cũng như làm sao để có được những thói quen mới. Như vậy là đủ rồi, mình sẽ khép lại chủ đề thói quen để chuyển sang những chủ đề khác mà mình quan tâm hơn.

Tương tự với những thể loại của non-fiction thì mình cũng chọn 3-5 cuốn. Như muốn đọc hồi kí của những chính trị gia, mình cũng chọn 3-5 cuốn thôi. Hoặc những chủ đề về dinh dưỡng, tâm lý, khoa học, vật lý, vũ trụ, tâm linh, hành vi bán hàng, kinh tế, marketing, tất cả, mình chỉ chọn tầm 3-5 cuốn là đã đủ để mình có thể chuyển sang bước 4.

Bước 4: ĐỌC SÁCH NON-FICTION

Khi mình đọc sách, mình sẽ đọc 2 lần. 

Lần thứ nhất mình đọc rất nhanh, thoải mái, dễ chịu. Trong quá trình đọc, mình highlight lại những điểm mình thấy hay, ấn tượng, thú vị và cần nghiên cứu thêm. Mình đọc hết một lần. Lần thứ 2 mình đọc chậm hơn rất nhiều, dành thời gian nghiên cứu những chỗ highlight đó, tại sao nó lại hay, lại hứng thú và làm mình thấy thú vị như vậy. Mình dành thời gian nghiền ngẫm cho lần thứ 2 này. 

Bước 4 nói thì nhanh những sẽ tốn của các bạn kha khá thời gian. Nhưng không sao, bạn đang muốn sử dụng sách, ứng dụng sách vào cuộc sống mà nhỉ? Non-fiction mà chỉ đọc không không, sẽ không có nhiều giá trị.

Mình nghĩ, đọc non-fiction hiệu quả là phải đọc kĩ, để lấy được những kiến thức cũng như sự phản biện so sánh từ chính người đọc. Ngược lại với fiction, mình chỉ đọc để giải trí, nuôi dưỡng tâm hồn, đồng cảm với người khác. Nó thường là những câu chuyện  khiến mình nhớ rất lâu. Sau khi đọc fiction thì bạn có thể không nhớ chi tiết cốt truyện, hoàn cảnh của nhân vật nhưng bạn nhớ được cảm xúc của mình đọng lại, những bài học bạn có trong suốt quá trình đó. Nếu bạn đọc fiction thì không nhất thiết phải làm theo những bước này. 

Bước 5: TIÊU HÓA KIẾN THỨC

5.1 Mình hay viết blog

Mình thấy viết blog cực kì hiệu quả và hữu ích. Mình đã tập thói quen viết blog được 8 năm. Ngày xưa năm mình lớp 11, 12 mình viết văn rất tâm huyết nhưng chưa bao giờ được 7,5. Cao nhất là 7. Thầy cô cho mình điểm thấp nên mình không có niềm tin lắm cho chuyện viết lách của bản thân. Nhưng khi mình tập được thói quen viết, khoảng tầm 8 năm rồi, đến năm thứ năm, thứ sáu, đã có những người nói mình viết tốt quá. Thậm chí có bạn học viên thích mình viết hơn việc mình nói, mặc dù nói là kĩ năng mình rất tự hào vì mình đã rèn luyện rất nhiều. Nhưng việc giảng dạy hoặc trò chuyện thì một tuần chỉ vài lần, còn viết, mình làm mỗi ngày. 

Viết blog là một trong những cách giúp mình ghi nhớ những phần quan trọng trong sách

Mình thấy đó là thói quen có thể thay đổi cuộc đời. Càng viết, bạn càng hiểu bản thân mình. Càng viết bạn sẽ nhận thấy được nhiều tầng khác nhau trong đầu để mình khám phá. Khi bạn viết blog về một cuốn sách mà có những điểm bạn thích hoặc không thích, sau một thời gian dài bạn sẽ nâng tay nghề của mình lên. 

5.2 Viết review

Nếu không viết blog thì bạn có thể viết review trên Goodreads, Facebook hoặc bất kì đâu, miễn đó là nơi có thể lưu giữ lại, đồng thời người khác có thể góp ý để mình có thể hiểu kiến thức của mình đang ở đâu.

5.3 Chia sẻ lại

Mình hay chia sẻ cho vợ hay học viên của mình nghe những điều mình đã học được gần đây. 

Khi mình chia sẻ về cuốn sách, điều thứ nhất sẽ giúp cho mình nhớ lại nội dung, thứ hai là cho cơ hội để người khác phản biện lại nội dung đó. Điều này giúp mình thấy rõ hơn kiến thức trong sách đã ảnh hưởng như thế nào đến mình cũng như những người mình đã chia sẻ. 

5.4 Làm review sách

Mỗi lần làm review sách, bạn phải chuẩn bị rất nhiều. Một script những điểm cần nói, nói đi nói lại rất nhiều lần. Làm nhiều như vậy sẽ có được những điểm chắc chắn hơn trong kiến thức của mình. 

Một nghiên cứu mình đã từng đọc nói rằng thông thường 90% kiến thức của chúng ta sẽ bị rơi rụng hết sau một tháng đọc nội dung gì đó. Cuốn sách đọc vào tháng trước, bây giờ bạn đã quên gần hết nếu không viết review, không viết blog, không làm clip sách, không làm video để review, hoặc không chia sẻ với ai đó. Phần lớn những kiến thức đã bị mai một, khá là lãng phí phải không? Rồi sau đó, bạn sẽ phải đọc lại và nhận ra mình không nhớ gì cả.

Hy vọng với 5 bước trên có thể giúp bạn chọn được những đầu sách non-fiction phù hợp với chính bạn

Leave a Reply

Your email address will not be published.