Nhiều vấn đề trong cuộc sống sẽ không còn là vấn đề nếu chúng ta có khả năng dừng lại và đặt câu hỏi phù hợp. Nhưng mà, làm sao để đặt được câu hỏi đúng? Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ chia sẻ những cách thức đơn giản để làm sao bạn có những câu hỏi hay, duyên dáng, và không chỉ giúp bạn giao tiếp với người khác tốt hơn mà còn là những khoảng lặng dừng lại để đánh giá cuộc sống chính mình thông qua những câu hỏi.
Trước tiên, để có được câu hỏi hay, bạn cần ghi nhớ 3 điều sau:
1 – Phân biệt câu hỏi đóng và câu hỏi mở:
Câu hỏi đóng được dùng khi bạn muốn xác nhận thông tin hoặc câu trả lời từ người khác. Đáp án sẽ thường là dạng có hoặc không. Ví dụ như: bạn có thích đọc blog của trường Vui Lên hông?
Với câu hỏi mở được dùng khi bạn muốn làm rõ thông tin, hiểu rõ vấn đề đang bàn luận. Thường câu hỏi dạng này sẽ bắt đầu bằng những từ như: thế nào, tại sao, ở đâu,… Ví dụ như: bạn nghĩ như thế nào về blog của trường Vui Lên?

2 – Biết cách chọn câu hỏi:
Khi có một câu hỏi trong đầu, đừng hỏi ngay. Viết xuống 3-4 câu hỏi nữa và chọn câu hỏi bạn thấy hay nhất. Những câu hỏi bộc phát chỉ đánh vào những vấn đề bề nổi, vì vậy khó có thể khai thác, đào sâu những điều hay ho, tinh túy ở người trả lời.
3 – Tự trả lời trước khi đi hỏi người khác:
Ta có xu hướng sẽ đi hỏi ngay khi có câu hỏi. Nhưng hãy dừng lại một chút và tự trả lời mình trước. Vì khi hỏi bản thân, bạn sẽ có cái nhìn nhất định về vấn đề, để sau đó bạn sẽ có nhiều dữ kiện để khai thác sâu thêm vào phần phản hồi của người khác. Nếu không, bạn sẽ dễ dàng hài lòng với đáp án đối phương đưa ra.
Hỏi sao để duyên
Phía trên, bạn đã rõ về cách đặt câu hỏi hay nhưng trong nhiều trường hợp, câu hỏi sẽ trở nên kém duyên khi không phù hợp với bối cảnh. Mình sẽ chia sẻ ba cách để bạn có thể đặt câu hỏi sao cho duyên dáng.
1 – Đừng vội hỏi “vì sao”
Vì sao là một câu hỏi mạnh, khiến cho người đối phương suy nghĩ nhiều về lý do, động cơ của họ. “Tại sao con nói mẹ không nghe?”, “Tại sao em yêu anh?”. Những câu hỏi này không dễ để trả lời và có thể làm người được hỏi khó chịu vì cảm giác như bị tra khảo. Bạn chỉ nên dùng câu hỏi này khi đã hiểu rõ đối phương và kèm theo cách thức và tông giọng hỏi nhẹ nhàng.
2 – Không hỏi dồn dập
Tạo không gian để người được hỏi suy nghĩ là điều quan trọng. Đặt câu hỏi liên tục sẽ làm cho đối phương choáng ngợp và bạn hay họ cũng không có thời gian để xử lý thông tin đã tiếp nhận. Ví dụ điển hình nhất là những nhân viên bán hàng hay người yêu của chúng ta, họ hỏi liên tục. Vậy nên, hãy học cách dừng lại, cho đối phương cơ hội để suy nghĩ, thậm chí phản hồi lại cho bạn những câu hỏi khác.

3 – Dùng nhiều câu hỏi mở:
Chúng ta có xu hướng hỏi nhiều câu hỏi đóng, như “đi chơi hông em?”, sẽ dễ đưa cuộc hội thoại vào ngõ cụt. Câu hỏi đóng chỉ giúp xác nhận thông tin, bạn nên dùng khi trước đó đã có thông tin từ những câu hỏi mở và đã hiểu hơn về đối phương.
Với những bí quyết trên, bạn có thể áp dụng thử vào cuộc sống của mình. Dưới đây là một vài ví dụ. Mình sẽ gợi ý một số câu hỏi để nâng cao khả năng giao tiếp cũng như giúp bạn đánh giá lại cuộc sống
Ba câu hỏi giúp bạn giao tiếp tốt hơn:
1 – Ý anh như vậy là sao?
Những cuộc giao tiếp của chúng ta khá mơ hồ, thiếu sự rõ ràng vì mỗi người sẽ có những định nghĩa khác nhau, như thế nào là hạnh phúc, thành công, đúng-sai. Câu hỏi này sẽ giúp bạn rõ được dụng ý của người đang giao tiếp.
Có thể lấy một ví dụ như: sếp bảo “em nhớ làm tốt nha”. Bạn có thể áp dụng việc đặt câu hỏi trong tình huống này như sao: “Dạ anh ơi, tốt là như thế nào vậy anh? Anh có thể cho em những tiêu chuẩn cụ thể để em có thể làm tốt được hông?”
2 – Có chia sẻ thêm gì nữa hông?
Để có thể thật sự bước chân vào thế giới hay hiểu người khác, lắng nghe là điều quan trọng. Sau khi nghe chia sẻ, nếu vẫn còn nhiều bối rối hay cảm thấy đối phương còn muốn nói tiếp, bạn có thể hỏi: “Anh/Em có gì muốn chia sẻ thêm nữa hông?”. Câu hỏi này giúp bạn thể hiện thiện chí muốn lắng nghe. Sau đó chờ đợi, và chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên về những điều họ chia sẻ tiếp theo.
3 – Bước tiếp theo là gì?
Đây là câu hỏi cần được đưa ra nếu bạn muốn những hành động, kế hoạch cụ thể để cải thiện mối quan hệ, hay công việc của bản thân. Ví dụ như: “Chúng ta sẽ làm gì sau cuộc họp này?”. Đây là câu hỏi có phần mì ăn liền, nhưng thật ra, chúng ta ít khi hỏi những điều như vậy trong cuộc sống

Ba câu hỏi đánh giá lại cuộc sống:
Cuộc sống thay đổi từ những câu hỏi. Những câu hỏi giúp bạn kết nối với thế giới bên ngoài, và còn hỗ trợ bạn đánh giá lại cuộc sống và định hướng cho tương lai.
1 – Điều gì mình nên dừng lại?
Điều gì đang cản trở cuộc sống của bạn? Có thể là một thói quen xấu, một mối quan hệ độc hại hoặc một nét tính cách. Nếu nhận biết được, bạn cần có sự thay đổi và dừng lại.
2 – Điều gì mình nên tiếp tục?
Đâu là điều bạn đang làm tốt? Bạn có lối sống lành mạnh chứ? Bạn có thường xuyên trải nghiệm niềm vui trong cuộc sống hông? Có người sẵn sàng ngồi xuống lắng nghe mỗi khi bạn cần tâm sự? Nếu có, hãy tiếp tục với những điều làm cuộc sống bạn tốt đẹp.
3 – Điều gì mình nên bắt đầu?
Bạn có đang trì hoãn điều gì không? Bạn có đang sống cuộc sống bạn mong muốn? Có điều gì bạn ấp ủ rất lâu nhưng vẫn chưa bắt tay vào làm? Hãy liệt kê vài điều quan trọng và sau đó, dành thời gian để biến những điều ấy thành hiện thực.
Hi vọng với những chia sẻ trên, bạn có thể áp dụng và có những câu hỏi sao cho duyên với người và đúng với mình. Nếu bạn có quan tâm, mình sắp khai giảng lớp Kỹ năng đặt câu hỏi để bạn có thể hỏi sâu, khơi lại sự tò mò, sáng tạo và mở ra những đường đi mới thông qua những câu hỏi. Bạn có thể xem thông tin chi tiết tại đây nhen.