Đừng trách cha mẹ, hãy hiểu họ trước

“Xa thì nhớ, gần nhau lại muốn rời đi” có lẽ là câu chuyện của nhiều bạn trẻ ngày nay. Không phải là mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp hay người yêu; việc khiến bạn đau đầu nhất có lẽ là tương tác với phụ huynh. Thường vào những dịp lễ tết, cũng như bao người, bạn mong ngóng thời khắc trở về quây quần bên mâm cơm gia đình nhưng cũng nhanh chóng vỡ mộng. Bởi thực tế, phần lớn thời gian bạn dành để lướt điện thoại, nhắn tin, xem tivi hay làm việc nhà thay vì ngồi xuống để nói chuyện với ba mẹ.

 Đã bao lâu rồi bạn không ngồi xuống để nói chuyện với họ?

Có thể bạn cũng rất muốn nói chuyện với cha mẹ mình, nhưng dường như chỉ cần đôi bên trao qua đổi lại vài câu cũng đủ khiến bạn kết thúc cuộc trò chuyện ngay lập tức trong mệt mỏi. Cái khó đó có thể đến từ những bất đồng quan điểm, những đợt tranh cãi và cảm giác bị áp đặt, thiếu sự lắng nghe và không được nói lên ý kiến riêng giữa đôi bên. Lúc này nhìn lại, bạn bất chợt nhận ra hình như đã lâu rồi cả nhà đã không còn kể cho nhau nghe những câu chuyện vụn vặt đời thường. 

Chúng ta ngày càng mất kết nối với gia đình

Mình cũng từng loay hoay, chật vật như thế. Mình trách cha mẹ, rồi lại trách bản thân. Sau cùng, mình tìm cách thay đổi chính mình. Hiện tại, mối quan hệ giữa mình với ba mẹ, ba mẹ vợ đã dễ thương vô cùng. Trong bài viết này, hãy cùng nhau điểm qua một vài điều cần lưu ý khi nói chuyện với phụ huynh dựa trên những trải nghiệm riêng của mình nhé. 

1. Đừng tranh cãi:

Bạn có nhớ lần gần đây nhất khi bạn tranh cãi với ba mẹ, bầu không khí lúc đó như thế nào không? Căng thẳng, khó chịu, không ai muốn nhìn mặt ai. Bạn có thể muốn trở lại thành phố ngay lập tức, và lầm bầm rằng không bao giờ muốn quay về nữa. Nhưng đằng sau sự khó chịu đó, những lời lớn tiếng ấy có thể là biểu hiện của sự bất lực khi bạn không thể thay đổi được những quan điểm bạn cho là cổ hủ, lạc hậu của họ. Bạn muốn thay đổi ba mẹ.

Nhưng, hãy thử dừng lại một chút. 

Bạn muốn thay đổi họ, để làm gì? Bạn chiến thắng, hơn ba mẹ trong lần tranh cãi đó, rồi sao nữa? 

Thời gian bạn dành cho ba mẹ có thể càng ngày càng ít đi so với những mối bận tâm về công việc, về mái ấm riêng của bản thân. Nên những lần tranh cãi, trách cứ ấy, liệu có thực sự giúp bạn và ba mẹ thêm gần nhau và hiểu nhau hơn? Cá nhân mình nghĩ, tranh luận chỉ thực sự đem lại kết quả khi bạn đã rõ và giải phóng được những mâu thuẫn bên trong mình. Chính lúc ấy, ba mẹ sẽ lắng nghe bạn. 

Hãy thử một lần đừng cãi nhau với ba mẹ. Sau quá nhiều lần tranh cãi, chẳng phải bạn cũng nhận ra điều đó là vô nghĩa hay sao? Có lẽ bạn hiểu rõ rằng, ba mẹ đã không còn phát triển nhiều nữa. Họ xem tivi, tin tức trên mạng, trong khi vô vàn những thông tin giả, mang tính đánh lạc hướng khiến người tiếp nhận giận dữ, tiêu cực hơn. Ba mẹ bạn có thể tiếp thu những điều đó mỗi ngày. Họ cũng đã tầm 50-60, cái tuổi chỉ sống thêm và có nhiều kinh nghiệm để truyền lại. Nhưng với tốc độ phát triển vũ bão ngày nay, phụ huynh có khả năng khó bắt kịp. Còn bạn, một người trẻ đầy năng động, làm việc, học tập, đi đó đây, gặp gỡ và học hỏi với nhiều người. 

“Họ ở nhà, còn bạn đi khám phá thế giới”

Vậy nên, đừng trách cha mẹ hay cố bắt họ thay đổi nữa, chính bạn là người cần làm điều đó. Chỉ khi bạn cởi mở và chấp nhận họ, đấy là khởi đầu cho một tình yêu thương đúng đắn. 

2. Hiểu và thương:

Có lẽ cũng không ít lần bạn trách cha mẹ: tại sao ba mẹ không chịu hiểu cho mình? Họ không hiểu bạn chán ghét công việc đó ra sao, họ không hiểu bạn thích người đó đến dường nào, họ không hiểu và thiếu tôn trọng những lựa chọn và quan điểm của bạn. Nhưng ba mẹ chỉ làm một điều, đó là: thương bạn. 

Những mâu thuẫn trong gia đình bắt nguồn từ tình thương nhưng không hiểu.”

Đấy là về phần ba mẹ. Vậy còn bạn? Bạn có hiểu về những mong muốn, khát khao hay ước mơ của phụ huynh? Hay bạn chỉ dắt họ đi du lịch, mua những món quà xa hoa và đăng tải lên những trang mạng xã hội. Bạn có dịp tự hào với lũ bạn, còn ba mẹ thì khoe với hàng xóm, họ hàng. Bạn nghĩ như thế là hiểu họ? Nhưng có bao giờ bạn hỏi: ba mẹ thực sự cần điều gì? 

Đã bao lâu rồi, bạn chưa nghe cha mẹ của mình nói chuyện?

Hãy tự hỏi bản thân làm sao để thương ba mẹ theo cách họ muốn, thay vì làm họ giận, làm mình bực. Có thể là ngồi xuống lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh hay nhìn xem cách họ nhìn thế giới và cách đối xử với nhau mỗi ngày. Quan sát chậm rãi, kỹ càng và yêu thương để biết cách đồng hành cùng họ. Ba mẹ cần bạn hiểu họ như cách bạn muốn họ hiểu bạn. 

Kết lại, bạn là người có nhiệm vụ thay đổi và học cách yêu thương trước thay vì đợi chờ ba mẹ. Chỉ có hiểu nhau sâu sắc, ta mới có thể yêu thương đúng cách.

Xem thêm: Tạo ra những cuộc trò chuyện bình an để kết nối lại với gia đình

Leave a Reply

Your email address will not be published.