Nhận thức tâm linh với 4 bài học quan trọng

Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ 4 bài học tâm linh mà theo mình nó rất quan trọng. Đây là những bài học mình học được thông qua những cuốn sách, trải nghiệm và suy ngẫm. Cá nhân mình cảm thấy 4 bài học này hữu ích,  có nhiều tác động tới lối sống của mình.

1.   Bài học về cái chết

Quay lại những năm 20 tuổi, cái chết là điều mình chẳng bao giờ nói hoặc nghĩ tới. Một phần vì trong văn hóa Á Đông, cái chết được xem là một điều cấm kỵ, nhạy cảm. Mọi người chỉ muốn kéo dài sự sống, không ai muốn chết cả.

Khi học về tâm linh, thái độ của mọi người về cái chết có sự thay đổi. Họ coi cái chết như một quy luật hiển nhiên, không phải chạy trốn, né tránh. Sống và chết là một cặp đối ngẫu luôn song hành cùng nhau. Nếu không có sự sống sẽ không có cái chết. Ngược lại, cái chết được sinh ra từ sự sống. Trong Tarot, có một lá bài The Death mang ý nghĩa tương tự về cái chết. Khách hàng của mình thường sợ khi lá xuất hiện trong phiên trải bài. Chữ Death khiến chúng ta nghĩ đến điều xấu, tiêu cực. Nhưng chữ Death trong Tarot mang ý nghĩa chuyển tiếp, chấm dứt một giai đoạn cũ để mở ra một giai đoạn mới. Sự sống, cái mới là nối tiếp của cái cũ, chứ không chỉ mang ý nghĩa mất mát, tiêu cực như chúng ta vẫn nghĩ.

Trước những năm có những suy ngẫm sâu sắc về cái chết, mình không thực sự sống một cách sâu sắc và đủ đầy. Đến khi nhận thức sâu hơn, hiểu hơn về “sự thật” này, thái độ sống của mình có sự thay đổi. Mình biết ưu tiên hơn, can đảm hơn, trân trọng nhiều hơn những người thân của mình. Chúng ta không biết được chuyện gì có thể xảy ra. Lần đó gặp họ biết đâu sẽ là lần cuối cùng. Nên thái độ sống trân trọng khiến mình không phải hối tiếc về điều chưa được làm, những lời chưa nói với người thân yêu.

2.   Bạn là người làm tổn thương chính mình nhiều nhất.

Người làm chúng ta đau khổ nhất trong cuộc đời này, không phải người thân, người yêu của mình. Họ chỉ là đối tượng thứ hai.

Với những người chưa trưởng thành đầy đủ về cả cảm xúc, đạo đức, tâm trí, họ luôn nghĩ rằng thế giới làm cho họ đau khổ. Dường như mọi thứ đều chống đối họ,  từ nền kinh tế, chính trị, xã hội, đến cả những người thân. Nhưng sự thật về đối tượng gây ra tất cả khổ đau này không phải từ một người nào đó, ngoài chính tâm trí của chúng ta.

Thế giới này đã có từ rất lâu và vẫn luôn vận hành theo quỹ đạo. Chúng ta chỉ là một điểm nhấn trong thế giới bao la, giữa gần 8 tỉ người đang có mặt ở hiện tại. Mỗi người có một chặng hành trình riêng trưởng thành về mặt nhận thức, tâm linh. Không phải ngẫu nhiên khi bài học quan trọng nhất Đức Phật chia sẻ trong suốt quá trình hành đạo của mình đó là “Đời là bể khổ”. Vậy nên, không ai làm chúng ta đau khổ ngoài chính bản thân mình. Khi đã hiểu được bài học này, bạn sẽ chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình một cách hoàn toàn khác. Chỗ nào không ổn, bạn thay đổi. Điều gì không thay đổi được, bạn chấp nhận. Đó là một trong những điều kiện để bạn có thể yêu thương bản thân một cách đúng đắn. Bạn chịu trách nhiệm cho hạnh phúc khổ đau của chính mình mà không đổ lỗi cho bất kỳ ai, hệ thống nào.

3.   Người thân cũng làm khổ chúng ta

Ở khía cạnh tâm linh, không phải ngẫu nhiên chúng ta có mặt trên cuộc đời này với gia đình của mình. Có một khái niệm là nhóm linh hồn. Đó là nhóm đã đi cùng chúng ta qua nhiều tiền kiếp khác nhau. Bạn có bao giờ cảm thấy mình dễ kiên nhẫn, quan tâm tới cảm xúc của những người khác hơn so với người thân trong gia đình? Thường xuyên bạn có suy nghĩ ba mẹ chỉ làm khổ mình thôi? Thực tế thì nhà là nơi hạnh phúc, cũng là nơi đầy chất liệu khổ đau. Ngày xưa có thể chúng ta bị cha mẹ cấm đoán, kiểm soát, không được phép sống theo lối sống, công việc mong muốn. Khi lớn lên và lập gia đình, chúng ta lại rơi vào vòng xoáy kiểm soát, ép con cái theo lối suy nghĩ, mong muốn đã từng bị đè nén của mình.

Thế giới đầy những khổ đau bất tận khi mỗi người tự làm khổ mình. Mỗi cá nhân đau khổ, tạo nên gia đình đau khổ. Chúng ta sống, làm khổ nhau từ đời này qua đời khác mà không học được bài học gì trong kiếp sống này.

4.   Thế giới là một trường năng lượng khổng lồ

 Hàng ngày, chúng ta tiếp xúc với nhiều nguồn năng lượng khác nhau. Từ những nội dung bạn đọc, nghe, tiêu thụ tới những tương tác và ngay cả bài viết bạn đang đọc bây giờ. Những nguồn năng lượng này tạo ra tâm thức, hình thành lên cách chúng ta nhìn nhận thế giới.

Trong Power and Force – cuốn sách tâm linh mình từng review, có một điểm mình cảm thấy ấn tượng, đồng thời cũng lo lắng. Trung bình trong mỗi cuộc đời chúng ta tăng 5 điểm năng lượng nhận thức. Vì mỗi ngày, chúng ta vẫn đều đặn tiếp xúc với nguồn năng lượng, thông tin tiêu cực từ báo chí, tin tức, mạng xã hội.. Những thông tin này xuất hiện khắp mọi nơi và bạn vẫn đang tiêu thụ nguồn năng lượng tiêu cực mà hề không biết.

Chúng ta tiêu thụ nhiều, kết nối nhiều mà bỏ quên hai kết nối vô cùng quan trọng đó là chính mình và những người thân. Giữa biển thông tin bao la, chúng ta bối rối về bản thân, quên đi mục đích của cuộc đời mình. Để rồi, lại tiếp tục chúng ta sống trong đau khổ với chính mình, với người thân, cả xã hội.

Khi nhận thức được thế giới này là một trường năng lượng khổng lồ, bạn sẽ tiêu thụ thông tin có chọn lọc để bảo vệ tâm trí của mình, chăm sóc cho nguồn năng lượng của sự vững vàng, tự do và bình an.

Hy vọng 4 bài học trên có thể mang lại cho bạn một vài suy nghĩ cũng như thay đổi cần thiết để cuộc sống của bạn có những chuyển biến tích cực.

Leave a Reply

Your email address will not be published.