7 Phương Pháp Tự Học Hiệu Quả

Tự học là điều khiến chúng ta luôn vận động và tư duy dù cho đã rời ghế nhà trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tự học. Trong bài viết này, mình chia sẻ với bạn 7 phương pháp tự học mà bác Nguyễn Hiến Lê đã giới thiệu trong cuốn Tự học để thành công. Mình thấy đây là cuốn sách đơn giản, dễ chịu và có những hướng dẫn rất tốt dành cho tất cả mọi người. 

Có lẽ bạn đã quen thuộc với Đắc Nhân Tâm. Bản dịch đầu tiên của cuốn này là do bác Nguyễn Hiến Lê dịch. Bác là một học giả cũng như dịch giả đã mang lại rất nhiều đầu sách hay. Với tinh thần học giả, bác rất khuyến khích mọi người tự học. Đó là một tư duy rất hay ở thời của bác và cho đến đến bây giờ. Vì dù rằng hiện nay đã là 2022, nhưng khái niệm “Lifelong learner” – một người học trọn đời vẫn chưa được phổ biến ở nước mình.

Với tự học, bác có hai kiểu phân biệt rất đơn giản – học không có ai hướng dẫn và học có người hướng dẫn. Hãy cùng xem bác Nguyễn Hiến Lê mang đến cho những thế hệ trước cũng như thế hệ chúng ta sau này những phương pháp tự học nào, bạn nhen.

Phương pháp 1: Học ở các lớp giảng.

Lớp giảng tức là lớp học – các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Trường học là một trụ cột lớn của giáo dục. Nếu các bạn thấy mình thiếu những kỹ năng nào thì các bạn hãy đi tới các lớp học. Lúc đó sẽ có những người thầy hướng dẫn cho các bạn. 

Nhược điểm của phương pháp này là tốn thời gian đi lại và học phí cũng khá cao. Tuy vậy, ở thời bây giờ, mình nghĩ bạn có thể tìm được những lớp học online với chi phí phải chăng cho một kỹ năng nào đó bạn mong muốn cải thiện. Như vậy có thể hạn chế được nhược điểm bên trên. Ví dụ như ở trường Vui Lên, ban đầu học viên của mình vẫn hơi e ngại với việc học online, tuy nhiên, sau thời gian học, hầu hết các bạn đều thích cách tổ chức của trường, học hiệu quả, lại rất tiết kiệm thời gian đi lại cũng như có được không gian riêng của mỗi người dù bạn đang ở lớp học

Phương pháp 2: Học từ xa.

Ở thời đại của bác Nguyễn Hiến Lê, đó có thể là nghe băng, nghe radio, nghe những tài liệu được gửi từ xa tới. Và sau khi học xong thì mình gửi bài lên cho người ta chấm. Bây giờ hình thức này vẫn còn tồn tại, ví dụ như Trường Đại học Mở của mình – một trường nổi tiếng với hệ đào tạo từ xa – dành cho những người không có thời gian hoặc tuổi tác đã lớn nhưng vẫn muốn theo đuổi việc học. 

Lợi thế của phương pháp này là chi phí thấp và linh động về mặt thời gian. Nhưng nhược điểm của nó là khá dễ nản, số lượng người học thì nhiều nhưng số lượng người học xong thì không bao nhiêu, vì không có ai kiểm soát. 

Phương pháp 3: Nghe diễn thuyết.

Mình khá ngạc nhiên khi bác đưa phương pháp này vào trong 7 phương pháp tự học. Vì đối với mình, mình chỉ được biết tới khái niệm “Diễn thuyết, diễn giả” khi mình lên đại học còn trước đó thì hoàn toàn không. 

Bác Nguyễn Hiến Lê cho biết, khoảng 50 năm trước, diễn giả và diễn thuyết chỉ xuất hiện ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng mà thôi. Và bây giờ – sau sáu bảy mươi năm, mình thấy nó không khác nhau là mấy. Mặc dù một số tỉnh thành đã có rồi nhưng diễn giả và diễn thuyết vẫn là những hoạt động phổ biến hơn ở các thành phố lớn. 

Đặc điểm của diễn giả, diễn thuyết là có khá nhiều những buổi miễn phí. Nên nếu bạn không có thu nhập nhiều thì có thể đi tới các buổi chia sẻ, nói chuyện ở những trường học, công ty của các diễn giả. Nó dạy cho chúng ta rất nhiều điều. 

Bác cũng dặn chúng ta, nếu đi tới những buổi đó thì đừng có đi người không. Trước khi đi, hãy tìm hiểu kỹ chủ đề, mình biết chủ đề của hôm đó là gì. Ví dụ như chủ đề về tâm lý phụ nữ, mình cũng nên lên mạng search trước một vài cuốn sách để đọc, để hiểu về tâm lý phụ nữ và để có một kiến thức nền về tâm lý phụ nữ, ví dụ như mình đọc cuốn “Đàn ông sao hỏa đàn bà sao kim”, mình đọc để có cái nền sơ sơ. Và có lẽ bạn không biết, việc chuẩn bị trước này sẽ giúp bạn có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về chủ đề khi đến với buổi thuyết trình, hơn là chỉ nghe và đặt câu hỏi cho những điều diễn giả nói. Đây cũng là điều mình áp dụng với lớp Kỹ năng đặt câu hỏi của mình. Bởi sự chuẩn bị sẽ giúp bạn có được cái nhìn cơ bản, lược bớt các câu hỏi bề mặt và có thể đưa ra những câu hỏi chất lượng để khai thác sâu hơn.

Ngoài ra, bác dặn mình hãy cầm theo sổ và bút. Với công cụ này, mình sẽ ghi chú hơn được rất nhiều từ bài thuyết trình. Cá nhân mình đã tổ chức khá nhiều hội thảo, chương trình nhưng mình thấy các bạn sinh viên thường đi nghe kiểu nghe cho vui, mà nghe cho vui thì không đọng lại được nhiều.

Điều thứ ba là đừng ngại đặt câu hỏi. Có những buổi nói chuyện miễn phí hoặc có phí nhưng đa phần, những buổi nói chuyện của diễn giả được mời đều có mục đích kinh doanh phía sau. Nên việc bạn tới tham dự, bạn đã tạo ra tiền bạc người nói rồi. Vì vậy, hãy tận dụng bằng cách đặt thật nhiều câu hỏi. Vì nếu bạn không đặt câu hỏi, chúng ta sẽ dễ rơi vào tình trạng nghe cho xong, cho có nghe, hiểu thì hiểu vậy nhưng mình không thật sự hiểu sâu.

Cuối cùng, bác khuyên chúng ta sau khi về nhà, hãy coi lại, nhìn lại, viết lại và tiếp tục đặt những câu hỏi sâu hơn nữa. Lúc đó, sự tự học của chúng ta sẽ tốt hơn rất nhiều.

Phương pháp 4: Tập nhận xét.

Mình nghĩ đây là một phương pháp rất hay dành cho những người tự học. Nhiều bạn từng hỏi mình phải tự học sao cho hiệu quả, thì mình thường khuyên các bạn viết nhiều hơn. Khi mình nhận xét, đánh giá về điều gì đó, nó sẽ trở thành góc nhìn của mình chứ không còn là góc nhìn của người khác nữa. Đây cũng là cơ hội để bạn rèn luyện thêm về tư duy phản biện.

Tương tự với việc review sách. Khi nói về một cuốn sách, đồng nghĩa với nói về góc nhìn của mình về cuốn sách đó. Đây là quá trình giúp mình vỡ ra được rất nhiều điều, dẫn đến việc mở rộng góc nhìn. Khả năng tự chủ của mình sẽ cao hơn rất nhiều. Đối với sách, có những cuốn thật sự hay nhưng sách dở cũng không hề ít. Khi mình đánh giá và nhận xét, mình sẽ biết được cuốn nào hay hoặc không hay theo quan điểm của bản thân. Ngược lại, khi đọc mà không có nhận xét của riêng mình mà chạy theo người khác, mình sẽ không nói được ý kiến, nhận định của bản thân trong nhiều trường hợp khác nhau chứ không chỉ riêng với sách.

Bạn có thể dùng 4 yếu sau cho việc nhận xét của mình, bao gồm: Đặc điểm/ mô tả, so sánh, phân tích và cảm nhận của bản thân. Quy trình này không quá phức tạp, nhưng bạn cần làm để dần quen với nó cũng như nâng cao khả năng tự học của bản thân.

Phương pháp 5: Đi du lịch và điều tra.

Khi đọc đến phương pháp này, mình có chút buồn cười. Các bạn trẻ bây giờ khi nghe những từ này có lẽ sẽ thấy hơi nhạy cảm. Vì giới trẻ chúng ta hiện nay – mình thấy đa phần đi du lịch kiểu check in, sống ảo. 

Hai hoạt động chính khi đi du lịch bây giờ là chụp thật nhiều hình để đăng lên mạng xã hội và ăn thật nhiều món ngon. Có lẽ chúng ta sẽ không học được gì nhiều với cách du lịch này, sẽ rất khó phát triển được bản thân và có thêm được những điều mới mẻ để học. 

Trong sách này, bác Nguyễn Hiến Lê đã gợi ý một số điểm khá hay. Ví dụ, khi đi du lịch một nơi nào đó, mình nên điều tra về nơi đó ít nhất 15 ngày tới 1 tháng. Mình điều tra về dân số, đặc điểm địa phương, hải sản, nông sản, những đặc trưng của địa phương đó,… và khi tới nơi, mình nên tìm những người bạn địa phương. Nếu may mắn, chúng ta sẽ có những người bạn tour guide local – những bạn người địa phương chia sẻ cho chúng ta những góc nhìn, những địa điểm hay những món ăn mà khách du lịch khó có thể biết được. Lúc đó, chúng ta có thể hiểu nhiều hơn về địa danh đó. 

Bên cạnh đó, bác cũng khuyến khích khi gặp những người mới, ta nên đặt những câu hỏi sâu sắc một chút. Ví dụ, anh có biết dân số ở đây là bao nhiêu không? Tại sao người đó lại da trắng, da đen,…? Rồi tại sao người dân ở đây lại ăn bằng đũa, bằng muỗng?,… Tức là mình đặt nhiều câu hỏi hơn, mình tò mò nhiều hơn để mình hiểu về nền văn hóa đó. Khi đã hiểu mình sẽ có cái nhìn rõ hơn về đặc điểm, rồi có sự so sánh với những vùng miền khác,…

Các bạn thấy không, nó có sự liên kết với nhau và làm cho vốn sống, hiểu biết và kinh nghiệm sống của mình càng ngày càng tăng lên. Mình thấy những câu hỏi của bác có hơi nghiêm túc nhưng rất hợp lý. Đặc biệt là với thế hệ chúng ta, có thể đi du lịch từ nơi này đến nơi khác rất dễ. 

Phương pháp 6: Đọc sách.

Trước khi đọc cuốn sách này, mình cũng tin rằng tự học và đọc sách là bằng nhau. Có nghĩa là con đường tự học lâu dài nhất, bền nhất, ổn nhất, rẻ nhất và tốt nhất là chuyện đọc sách. Vì những phương pháp khác như mình đến lớp học – thực ra mình học rất nhiều từ người thầy, mình chọn những gói tư vấn học kèm thì rất tốt nhưng cuối cùng, kiến thức thực sư đến từ chuyện mình trải nghiệm, mình ngộ ra và nhận ra. Sách sẽ là một người bạn đồng hành trong suốt cuộc đời của chúng ta. 

Trong cuốn sách này, bác nói rất nhiều về kỹ năng đọc sách. Bác giới thiệu rất kỹ về đọc tiểu thuyết thì đọc như thế nào, đọc thơ thì đọc như thế nào và đọc non-fiction thì đọc ra làm sao,… Trong bài viết này, mình sẽ chỉ nhấn mạnh rằng sách là một công cụ bắt buộc, là một công cụ đi theo chúng ta trong suốt cuộc đời của một người tự học.

Phương pháp 7: Viết sách và dịch sách.

Mình nghĩ đây là một phương pháp rất hay và rất sâu. Dịch sách thật ra là một sự trưởng thành cả về ngôn ngữ và kiến thức. Vì khi mình dịch từ sách ngoại ngữ sang tiếng Việt, mình sẽ phải động não và suy nghĩ rất nhiều chứ không phải chỉ đọc thông thường. 

Khi mình đọc sách tiếng việt thông thường, mình sẽ đọc rất nhanh vì mình đã quen mặt chữ rồi. Nhưng khi mình chuyển từ tiếng Anh, tiếng Trung hay tiếng Nhật ra tiếng Việt thì đó là một quá trình tự học rất sâu. Mình phải đối diện với những suy nghĩ, quan điểm và thế giới quan của mình thành những thứ khách quan để người khác có thể đọc và hiểu được. 

Bên cạnh đó là viết sách – mình thấy đây là một cách rất hay. Các bạn có thể không nhất thiết phải viết để xuất bản mà chỉ cần viết cho chính mình. Mình có thể làm chuyện đó thông qua việc viết blog mỗi ngày. Khi viết cho chính mình, mình sẽ thấy những suy nghĩ của mình rất kỳ cục. Mình thường nghĩ bản thân đã có kiến thức tốt rồi, tưởng rằng mình hiểu chuyện đó đủ sâu rồi, nhưng cho tới lúc mình viết ra, bạn sẽ thấy thật ra mình chưa hiểu kỹ lắm hoặc thấy mình hiểu chưa đủ để có thể viết một cách thoải mái và nhẹ nhàng. Khi viết mình có thể phản ánh kiến thức của mình rất nhiều. 

Nếu có thời gian để thực hành 7 phương pháp này, mình nghĩ bạn sẽ trở thành những người tự học rất tốt. Khi trở thành những người tự học, chúng ta có thể đạt được những điều chúng ta muốn trong cuộc sống đó là hạnh phúc, niềm vui, thành quả trong công việc và những giá trị chúng ta mang lại cho xã hội, gia đình và cho chính bản thân chúng ta. 

Mình hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ có thêm động lực để bắt đầu đi trên con đường tự học, trở thành một người tự học và xa hơn có thể quyết tâm để trở thành một người lifelong learner – một người tự học trọn đời.

2 thoughts on “7 Phương Pháp Tự Học Hiệu Quả

  • Reply Đặng Tuấn Anh July 7, 2022 at 10:17 pm

    Cảm ơn những chia sẻ của bạn, mình đã học được rất nhiều kiến thức quý giá.
    Tuy nhiên, cá nhân mình cảm thấy nếu chủ đề là tự học thì phương pháp học ở các lớp giảng sẽ không phù hợp lắm, vì đây là phương pháp học dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Đây là quan điểm cá nhân của mình.

    • Reply Vui Lên July 8, 2022 at 4:04 pm

      Cám ơn bạn nhen ^^

Leave a Reply

Your email address will not be published.