Vì sao chúng ta dễ gây mâu thuẫn khi giao tiếp?

Bạn có đang gặp phải những bất cập trong giao tiếp với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, hay khó khăn với cả việc giao tiếp với chính bản thân mình? Giao tiếp không thuận lợi, không chỉ đơn giản là gây nên khó khăn trong cuộc đối thoại đó, công việc đó, mà nó đã bắt đầu len lỏi những vết nứt cho những cuộc nói chuyện về sau, mà xa hơn chính là sự ảnh hưởng đến mối quan hệ mà ta đang gắn bó.

Ở đâu có con người, ở đó có sự đau khổ

-Dám bị ghét-

Đó là một quan điểm khá hay mình thấy được khi đang đọc cuốn Dám bị ghét. Thật ra nó cũng không quá mới mẻ, bởi một trong các giáo pháp quan trọng nhất của đạo Phật chính là Tứ diệu đế – diệt khổ, đời là bể khổ. Chúng ta sống với muôn vàn cái khổ khác nhau. Khổ về mình. Khổ về người. Nỗi khổ về việc người với người không thể hiểu được nhau. Chúng ta gặp phải nhiều rào cản, trong quá trình giao tiếp.

Phải thành thật rằng, dù cho bạn là một người thành công về địa vị, tiền bạc, hay được cả xã hội tôn vinh, khi quay lại phía sau tất cả những điều đó, bạn vẫn cần một ai đó, để yêu thương và được yêu thương. Con người là loài của xã hội, chúng ta cần những mối quan hệ xung quanh, cha mẹ, chồng vợ, người yêu, đồng nghiệp, bạn bè,… Tuy vậy, thông thường những mối quan hệ xung quanh chúng ta, lại không được trơn tru cho lắm. Lời nói chúng ta dành cho nhau có thể mang lại những niềm vui bất tận. Nhưng cũng những lời nói đó, có thể để lại những vết thương, cho bạn, hay cho người, mà khó có thể chữa lành.

Dù cả xã hội có tôn vinh, chúng ta vẫn cần những mối quan hệ để yêu thương

Thử nghĩ lại một chút, có thể bạn sẽ thấy đa phần mâu thuẫn xảy ra, là vì chúng ta không có đủ sự kiên nhẫn để thấu hiểu đối phương, cũng như không có sự kiên nhẫn trong việc thấu hiểu chính mình. Và bạn thấy đó, khi đã không hiểu nhau, thì dù có sử dụng công cụ giao tiếp nào đi nữa, chúng ta cũng sẽ gây ra cho nhau những đau khổ, bất tận.

Khởi sự cho những vấn đề này, nằm ở cái tôi. Mình tin nếu như bạn, hay một ai khác, hiểu được về cái tôi của bản thân, thì bạn sẽ tạo ra được bình an cho chính bạn, cũng như những người xung quanh.

Thông thường, chúng ta có cái tôi quá lớn hoặc cái tôi quá nhỏ. Dù bạn đang ở khía cạnh nào, nó đều ảnh hưởng đến cách mà bạn giao tiếp cũng như việc bạn đang nhìn nhận bản thân ra sao. Tuy vậy, để diệt cái tôi, là điều không tưởng, khi chúng ta đang sống trong một xã hội bất kì. Một khái niệm khác để chúng ta có thể dễ tiếp nhận, cũng như thực hành đó là “cái tôi cân bằng”. Khái niệm này mình thường nhắc đến với các bạn trong lớp Trò chuyện bình an – cái tôi cân bằng, một cái tôi dịu nhẹ và khỏe mạnh.

Có được cái tôi khỏe mạnh, bạn sẽ hiểu đúng hơn về mình, và quan trọng hơn là có được cái nhìn lành mạnh về người. Cái tôi, từ phía bạn, sẽ không được nhân danh, chào sân để thể hiện hoặc chạy trốn, mà hầu hết, nó lại là mồi lửa, để kích hoạt cái tôi từ phía người, một cách mạnh mẽ hơn. Suy nghĩ và nhận thức cũng được thể hiện qua cái tôi. Khi cách nhìn thay đổi, bạn sẽ thấy vấn đề giao tiếp mà bấy lâu bạn vẫn đang tìm giải pháp, đã không cần giải pháp nữa. Bởi vấn đề đã không còn là vấn đề. Bản thân chúng ta có khi chẳng mấy liên quan trong nhiều thứ, nhưng mình lại không hiểu rõ, nhận vơ hết về mình. Để rồi khó chịu, tổn thương. Đều từ cái tôi mà ra cả. Hiểu được cái tôi, xây dựng cho bản thân một cái tôi khỏe mạnh, là nền tảng để bắt đầu những cuộc trò chuyện bình an.

Bên cạnh cái tôi, bạn cũng cần chú ý thêm về những thông tin bạn tiêu thụ mỗi ngày. Nó thực sự ảnh hưởng đến việc giao tiếp của bạn mà có lẽ bạn không hay biết.

Chúng ta đang ở thế giới của việc tiêu thụ quá nhiều thông tin. Nếu không biết cách xử lý những thông tin đó, bạn đang từng bước làm cho cái tôi của mình trở nên tệ hơn, từ đó, lại kéo theo những khập khiễng khi tương tác với người khác. Nếu bạn đang sử dụng social media hoặc đọc báo thường xuyên, bạn sẽ thấy thông tin mình tiếp nhận mỗi ngày không mấy được tích cực cho lắm. Có rất nhiều dấu sắc. Cướp. Giết. Hiếp. Chém. Xé. Cháy. Nát. Thử nghĩ, nếu mỗi ngày chúng ta đều nạp vào người những thông tin tiêu cực, đầy sự giận dữ, bất an, sợ hãi như vậy, thì cách bạn nói chuyện với mọi người sẽ ra sao? Nó có ảnh hưởng rất lớn mà có thể, bạn chưa từng nhận thấy được trước đó.

Thông tin tiếp nhận mỗi ngày khiến bạn mang về mình nhiều năng lượng tiêu cực

Trong lớp Trò chuyện bình an, mình đã có phân tích khá nhiều và kỹ về input – những thông tin ta tiếp nhận mỗi ngày, ảnh hưởng lớn như thế nào đến cách chúng ta giao tiếp với những người xung quanh. Nếu thực hành tốt, bạn sẽ biết cách sống một cách thoải mái hơn, trong kỷ nguyên thông tin như hiện tại.

Mình nhớ tới những câu chuyện của không dưới một ngàn khách hàng Tarot của mình. Những câu chuyện mà sự đau khổ trong chuyện tình cảm và không thể giao tiếp được với nhau luôn chiếm phần hơn. Nếu tự thân mỗi người không tự chuyển hóa và biết cách tạo nên thông điệp bình an thì vấn đề sẽ vẫn tiếp diễn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi chúng ta giao tiếp. Cái tôi và những năng lượng tiêu cực ta vô tình mang về mình khi tiếp nhận thông tin đã làm cho việc nói chuyện người thân, chồng, vợ, người yêu của chúng ta, dễ gặp phải mâu thuẫn. Và thậm chí ngay cả chúng ta, cũng khó có thể lắng nghe được họ. Chúng ta thường không đủ kiên nhẫn để làm điều này. Ta không chịu được những lần im lặng khi đang nói chuyện. Và khi không chịu nổi, chúng ta bùng lên, những cuộc cãi vã xuất hiện, những rạn nứt hiện lên.

Cuối cùng, một suy nghĩ khác mà mình nghĩ thông thường chúng ta hay có đó là, chính cha, mẹ, người yêu, hay đồng nghiệp, là người đang gây ra nỗi khổ này cho mình. Nhưng bạn đã không nhận thấy được, người đầu tiên gây khổ cho chúng ta nhiều nhất, là chính mình. Là những lần self-talk, mình tự nói với mình và xây dựng những hình ảnh tiêu cực về bản thân. Mình đã không biết cách giao tiếp với chính mình. Kiễn nhẫn và giao tiếp với bản thân một cách thoải mái, thấu hiểu cũng là cách để bạn bước ra, giao tiếp với thế giới bên ngoài được lành mạnh hơn.

Mình đã từng nghĩ về rất nhiều việc sẽ tạo nên những khóa học giao tiếp để thành công, hay các bí quyết giao tiếp. Ở đó, sẽ không có khái niệm, thực tập về cái tôi, về những thông tin bạn đang tiếp nhận, hay thậm chí về cách bạn đang nói chuyện với chính mình. Nhưng rồi mình đã quay lại, chọn bình an và đã tạo nên khóa học Mindful Communication để cùng các bạn học viên mang lại an yên trong mỗi cuộc trò chuyện. Cái an trong giao tiếp gắn chặt với cái an ở tâm, để chúng ta có thể tạo ra những kết nối nhẹ nhàng, vững bền từ tâm.

Leave a Reply

Your email address will not be published.