Hiểu về trái tim – review sách

Trong cuộc sống này có nhiều điều chúng ta cần hiểu. Hiểu các con chữ, hiểu về thế giới xung quanh hay hiểu về người khác để có những ứng xử phù hợp. Nhưng có bao giờ bạn đã nghĩ đến việc hiểu về trái tim – một đối tượng vô cùng gần gũi? Và trái tim này có gì để hiểu? Cuốn sách “Hiểu về trái tim” của thầy Minh Niệm sẽ cùng bạn trả lời câu hỏi này.

Quan sát phần bìa, bạn có thể thấy dòng chữ “nghệ thuật sống hạnh phúc” dưới tên quyển sách. Vậy hạnh phúc liệu có liên quan gì đến trái tim? Đây cũng là một câu hỏi khác mà chúng ta có thể tìm tòi trong quá trình đọc sách. 

Trong những năm qua, khi là một Tarot reader – người sử dụng bài Tarot để lắng nghe những người có bối rối, phân vân hay tổn thương từ cuộc sống – mình đã nghe hàng ngàn những câu chuyện tổn thương trong tình cảm. Có người chia sẻ về việc vừa chia tay người yêu, cảm thấy tổn thương, bối rối, không biết làm thế nào để đối diện và hiện tại đang có một người khác bước vào cuộc sống. Vốn dĩ, lý trí bảo rằng không nên bước vào một mối quan hệ mới khi những tổn thương cũ chưa lành. Nhưng với trái tim vẫn chưa được hiểu thấu, họ cảm thấy khó khăn để có thể đối diện, chấp nhận sự cô đơn và đau khổ để có thể chữa lành cho chính mình. Vì thế, họ quyết định bắt đầu xây dựng tình yêu mới.

Có khi mình đã vội vàng đặt chân vào những tình yêu mà chưa kịp hiểu đủ về trái tim

Sau tầm 3-6 tháng, khi những hóa chất tình yêu trong cơ thể không còn nhiều, giai đoạn tuyệt vời của tình yêu qua đi, họ lại một lần nữa đối diện với sự cô đơn, những tổn thương, nghi ngờ và có xu hướng kiểm soát mối quan hệ. Kết quả là những mâu thuẫn xuất hiện, chồng chéo lên nhau chẳng thể giải quyết và đành buông tay, chấm dứt mối quan hệ. 

Hoặc một vài khách hàng có xu hướng kiểm soát người yêu, bằng cách tra xét lịch sử tình trường, kiểm tra tin nhắn của người yêu xem có đang lén lút tiếp cận với đối tượng khác hay không. Nhìn sâu hơn, những hành động này thật ra là biểu hiện của sự bất an, nghi ngờ trong mối quan hệ và mong muốn an toàn khi người yêu dành toàn bộ thời gian cho mình. Tuy nhiên, họ không nhận ra điều ấy và có những hành động xâm phạm riêng tư cá nhân, bước qua những ranh giới và tạo nên những tổn thương không cần thiết. 

Trong quyển sách này, bạn có thể tìm đọc những chương khác nhau về cảm xúc bạn đang trải qua và lý do trái tim lại hành xử như thế. Khi hiểu rõ được những đặc điểm của trái tim, bạn có thể cư xử với người yêu, người thân của mình khác đi. Với độ dài hơn 450 trang, bạn sẽ hiểu trái tim khi tức giận, đau khổ, ghen tuông, cô đơn, hạnh phúc, muốn kiểm soát hay tổn thương,… với nhiều góc nhìn khác nhau từ nhà sư Minh Niệm và có những hành động tự trị liệu cho chính mình. 

Trái tim có lý lẽ riêng của nó, chỉ là chúng ta chưa chịu hiểu

Với những đặc điểm trên, mình xem đây như một cẩm nang sơ cứu. Ở trường học hoặc gia đình thường có tủ y tế để có thể sơ cứu khi bị trầy xước hay đau bụng. Vì nếu không có những can thiệp ban đầu kịp thời, vết thương có thể bị nhiễm trùng hay cơn đau đó có thể trầm trọng hơn. Nhưng dường như không có cơ quan nào có bộ sơ cứu về cảm xúc và không có phụ huynh nào biết cách giúp con xoa dịu những cảm xúc đang trải qua.

Khi có những cảm xúc khó khăn như cô đơn, so sánh, tự ti nhưng không có bất kỳ sự hỗ trợ nào thì cảm xúc ấy có thể kéo dài. Cũng giống như những vết thương vật lý, khi bị chảy máu không được băng bó kịp thời, bạn có thể bị mất máu và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tương tự như vậy, khi những cảm xúc khó khăn kéo dài không thể giải quyết sẽ dẫn đến những căn bệnh tinh thần như: trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc,… Khi đọc Hiểu về trái tim, bạn có thể giúp bản thân nhận diện được những cảm xúc khó khăn hay thuận lợi, từ đó có những hành động để sơ cứu phù hợp.

Trong quá trình đọc quyển sách này, có ba chương mình rất ưng bụng và muốn chia sẻ thêm với bạn.

1.Tình thương

Mình của 10 năm trước hay bây giờ đều ấn tượng với chương sách này. Khi mười tám đôi mươi, mình yêu và yêu sai cách như hầu hết mọi người. Tình yêu mình trải nghiệm là tình yêu của sự kiểm soát, bắt ép đối phương chiều theo ý của bản thân. Trong mối quan hệ có nền tảng là tình yêu, có thể bạn chỉ quan tâm đến việc đối phương đối tốt với mình, thuộc về mình, muốn được người kia chăm sóc, được yêu thương. Và tình yêu như thế sẽ chóng tàn như một ngọn lửa với những rạo rực, say mê bùng nổ thuở dạo đầu. 

Tình thương lại khác. Tình thương là mong muốn mang lại sự tốt đẹp và tập trung vào nhu cầu của đối phương. Sẽ có lúc họ làm bạn khó chịu, tổn thương, nhưng bạn có thể hiểu rằng một người làm người khác tổn thương thì có thể trước đó họ cũng đầy thương tổn. Khi hiểu và thương như thế, thay vì  tấn công họ, bạn sẽ dành thêm thời gian kiên nhẫn ở cạnh và chữa lành những tổn thương. Thời điểm bạn có khả năng tập trung vào nhu cầu của người khác ngoài bản thân, tình thương sẽ hiện diện một cách thiêng liêng, không cần sự phô trương, kể lể mà đơn thuần chỉ là những sự quan tâm thành thật, chân thành mỗi ngày. Và khi tình thương đủ sâu sắc, bạn sẽ nhận ra rằng bạn không cần phải đòi hỏi người kia mang lại điều gì cho mình, vì để có một người để thương đã là một điều tuyệt vời.  

“Thế giới với 7 tỷ người, có một người để mình thương và cho phép mình trao đi tình thương đã là một điều tuyệt vời”.

Tình thương còn là sự hiện diện, tức là khả năng ở bên cạnh người kia khi họ cần một cách trọn vẹn.

Những chia sẻ sâu sắc của thầy Minh Niệm sẽ giúp bạn có một chặng hành trình chậm chạp, từ từ để đi sâu vào trái tim và tình thương. 

2.Biết đủ

Những bậc phụ huynh hay những người trẻ tuổi luôn nói rằng: phải làm việc, phấn đấu để có thật nhiều tiền, vật chất để lo cho người thân. Thông thường người lớn thấy cuộc đời này như một cuộc đua và cần phải chiến đấu mỗi ngày để giành và tích trữ nhiều hơn. Nhưng có một nghịch lý là khi dành nhiều thời gian cho  công việc và đạt được tiền bạc, vật chất, địa vị, danh tiếng… bạn sẽ bỏ quên người thân, người thương của mình.

Chúng ta đang ở trong giai đoạn vô cùng phát triển của nhân loại, vì vậy của cải vật chất không còn thiếu nhiều như ngày xưa nữa. Ngược lại, sự quan tâm và hạnh phúc dành cho nhau không nhiều. Vì phụ huynh hay nghĩ rằng, càng nhiều vật chất sẽ càng tốt cho con; nhưng có thể điều những đứa con quan tâm hơn hết là tình thương và sự quan tâm của ba mẹ. Chuyện lao động, làm việc không sai, nó chỉ lầm lạc khi ta không dành thời gian, sự quan tâm cho người thân nữa.  

Chúng ta bận rộn nhiều hơn nhưng cũng mất đi kết nối với người thân nhiều hơn

10 năm vừa qua, những lối sống đẹp, sống tối giản, lagom- sống biết đủ dần phổ biến và có quan điểm tương tự như chương sách này. Tiền bạc, địa vị, danh tiếng không xấu, nhưng đây là những cuộc đua không hồi kết, mà lòng tham con người thì vô tận. Nên khi hiểu về sự đủ, bạn sẽ sống nhẹ nhàng. Khi bạn biết đủ, bạn sẽ sống bình an. Thay vì những cuộc đua, bạn sẽ coi cuộc sống này như những hành trình để trải nghiệm

Bài học biết đủ này sẽ giúp nhiều người bừng tỉnh khỏi chủ nghĩa thực dụng vốn cho rằng điều gì tạo ra tiền, của cải vật chất thì mới đáng giá.

“Vật chất có thể giúp bạn sống thoải mái, nhưng không phải và không nên là mục tiêu cuối cùng và quên đi những mối quan hệ quan trọng”.

3.Sự bình yên

Bình yên có lẽ là điều nhiều người mong muốn, nhưng bình yên không phải là kết quả bạn cố gắng cả đời để đạt được. Bình yên là một sự lựa chọn. Lựa chọn biết đủ, biết dành sự quan tâm và chăm sóc cho những điều quan trọng. Đó là những lựa chọn đầu tiên và nền tảng để có được sự bình yên.

Bình yên ta muốn có là một sự lựa chọn

Bạn sẽ dần dần phát hiện, bình yên là một trạng thái ở bên ngoài, điều cuối cùng bạn đạt được là bình an. Bình yên đến từ bên ngoài, bình an đến từ bên trong. Tâm hay tim luôn xáo động và muốn nhiều thứ. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, khi bạn ở nơi có sự bình yên nhưng tâm không an, không lựa chọn sự bình an thì cũng khó có thể tận hưởng thật sự. 

Chương bình yên này sẽ giúp bạn hiểu về tâm của mình, sự quân bình trong cuộc sống. Từ đó, bạn sẽ biết đâu là những điều quan trọng và giá trị và tạo nên sự bình yên bên ngoài và bình an bên trong. 

Hi vọng với ngôn ngữ dễ hiểu và dễ thực hành từ thầy Minh Niệm, Hiểu về trái tim sẽ giúp bạn hiểu về trái tim của mình, đồng thời như là một cẩm nang giá trị để bạn nhận diện tổn thương và chữa lành dưới góc nhìn Phật giáo.

Leave a Reply

Your email address will not be published.