Ta khổ đau, người cũng đau khổ

Cách đây hai nghìn sáu trăm năm trước, Đức Phật đã nói nhiều về khổ đau. Cái khổ của ta và cái khổ của người. Có lẽ bạn đã từng nghe câu nói: “Đời là bể khổ”

Hồi trước, mình vô cùng khó chịu khi ai nhắc đến câu này. Mình thấy khi nhìn đời bằng lăng kính ấy, mọi thứ thật tiêu cực. Mình đánh giá những người như thế là bi quan, đời họ hẳn đã trải qua điều gì đó để rồi chê bai cuộc sống. Cuộc đời này vốn dĩ có nhiều điều thú vị, nhiều trải nghiệm mới mẻ, hân hoan, những chuyến đi, món ăn và những cảm xúc đặc biệt. Đã vậy, khổ còn đầy ra một bể, thật khổ biết mấy. Vậy, làm sao sống nổi cơ chứ? 

Nhưng, khi đã thêm nhiều tuổi, mình thấy: Đúng, đời là bể khổ.

Trong nhiều năm xem tarot, mình được tiếp xúc với nhiều người ở nhiều tầng lớp khác nhau: từ những người nổi tiếng, chính trị gia, sinh viên, đến những người thu nhập không cao. Thêm vào đó, những chuyến đi để khám phá thế giới, những hoạt động tương tác với nhiều người và mình chuyển từ Sài Gòn về Đà Lạt sinh sống… Trải nghiệm cùng với sự quan sát, mình nhận thấy: đời đúng là bể khổ.

Bởi lẽ nghèo khổ, giàu cũng khổ. Có gia đình khổ, độc thân cũng khổ. Nhà to khổ, nhà bé cũng khổ. Tuổi tác cũng làm con người ta khổ. Tuổi trẻ khổ vì không sống đúng đam mê hay không biết nên theo đuổi điều gì, trưởng thành hơn chút lại mệt mỏi vì hôn nhân, gia đình. Hơn 50 thì khổ vì không hòa hợp với người thân; và già đi cũng khổ vì phải đối diện với cái chết. Đủ thứ khổ đau trên đời này.

Con người rất giỏi làm khổ chính mình và những người xung quanh

Đặc biệt là người thân. Ba mẹ gây cái khổ cho con, và đứa con những tưởng sống trong sự tự do lại chẳng hay đang làm khổ ba mẹ của chính mình. Khi bị ba mẹ làm đau, bạn hận, ôm nỗi đau đó vào người, và khổ. Ba mẹ lại nghĩ rằng họ đang giúp bạn nhưng bị chối từ, ghét bỏ; họ lại khổ và hận. Kết quả, cả hai đều ôm cục khổ vào hai tay, hai vai và những khối năng lượng mệt mỏi vào người. 

Bên cạnh đó, dường như chúng ta chẳng biết làm sao khi đối diện với khổ đau. Nhiều người sẽ dồn nén, và như một quả bom hẹn giờ, sự khổ đau đó có thể nổ tung bất kỳ lúc nào. Sự bùng nổ này có thể làm các mối quan hệ như người thân, người yêu, bạn đời dễ dàng bế tắc và chia lìa. 

Thay đổi để thoát khỏi khổ đau

Sau một thời gian thực hành cách nhận diện và đối diện được với khổ đau, nỗi khổ của mình bắt đầu vơi đi.

Hồi xưa mình hay khổ bởi mong muốn thay đổi người khác. Là một người có những kiến thức, trải nghiệm và ứng dụng để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống; mình muốn người thân phải thay đổi. Kết quả là ai cũng khổ bởi sự kỳ vọng ấy của mình. 

Chính thời điểm có một cách tiếp xúc khác với cuộc sống, mọi thứ dần thay đổi. Nếu có vấn đề về mặt cảm xúc, mình sẽ điều chỉnh trước khi bị chi phối và hạn chế những hành động gây tấn công đối phương. Thêm vào đó, mình học cách nhận diện cả những suy nghĩ không đúng trong tâm trí về hình ảnh của họ, giải quyết chúng và quay lại cuộc giao tiếp. Nhận diện cả những kỳ vọng, mong muốn để đối phương làm điều gì đó vì mình. Từ từ những gánh nặng, những sự khổ được buông bỏ. 

Tuy vậy, nhìn xung quanh, vòng xoáy người làm đau ta – ta trả khổ cho người vẫn luôn tiếp diễn. Càng thân thiết lại càng khổ đau, càng yêu thương càng làm nhau thương tổn. 

Khổ đau từ mình đến một lúc sẽ chuyển sang người khác

Một người bị tổn thương sẽ lại làm tổn thương người khác

Nhận diện khổ đau đến từ tâm trí và cảm xúc, bạn sẽ không để chúng điều khiển nữa. Đây cũng là nền tảng trong Đạo Phật. Để nhận diện được, thì phải có chánh niệm. Chánh niệm mới có thể nhìn thấy, rồi suy xét cho thật thấu đáo. Lúc này, bạn giống như một người gác cổng, với nhiệm vụ bảo vệ ngôi nhà, quan sát cảm xúc hay suy nghĩ đến và không chạy theo chúng. Và khi không bị cảm xúc và suy nghĩ chi phối, bạn sẽ có thêm thời gian kết nối với ngôi nhà của mình. Bạn có dịp kiểm tra những điều bị hư hao, hoặc tên trộm nào lẻn vào và tấn công những giá trị sống, niềm tin và những điều đang được bảo vệ…

Khi thương được mình, không chỉ nỗi khổ của bạn bắt đầu vơi bớt, cái khổ của người thân cũng giảm đi. Trước đây, bạn khổ, họ cũng khổ và hai nỗi khổ ấy va chạm vào nhau làm vấn đề tồi tệ hơn. Nhưng giờ đây, họ khổ, bạn khổ ít hơn và cái khổ của họ không chạm đến bạn vì với chánh niệm, nhận diện được suy nghĩ, được cảm xúc, bạn đã hiểu sự khổ ấy đến từ đâu. Bạn từ chối sự khổ đau, không là những người cùng khổ nữa. Để rồi, bạn vững vàng mở lời với họ rằng: Em cần anh giúp gì không? Mẹ cần con giúp gì không? Con ở đây để lắng nghe, để được chia sẻ. Bạn sẽ là một chỗ dựa vững chắc giúp người thân bạn có thêm niềm tin, động lực để đối diện và thay đổi với những nỗi khổ đang có. 

Chánh niệm để nhìn thấy rõ bên trong mình và bên trong người

Đọc đến đây, bạn có thể dừng lại một chút và tự hỏi: Bạn có nỗi khổ gì không? Khổ ở bên trong hay bên ngoài? Bên ngoài liên quan đến công việc, nghĩa vụ gia đình hay tình trạng hôn nhân. Bên trong là ngoại hình, con người hiện tại và những điều bạn đang có. Bạn có hài lòng với chúng hay không? Và bất kỳ sự không hài lòng nào cũng tạo ra mầm mống của sự khổ.

Hi vọng những chia sẻ trên đây có thể giúp bạn bắt đầu cuộc hành trình diệt khổ. Vì nếu không, bạn có thể bị cái khổ bám riết và lại vung vẩy sự khổ cho những người mình yêu thương. 

Xem thêm: Đưa chánh niệm vào đời sống, bắt đầu bằng việc ăn uống

Leave a Reply

Your email address will not be published.