Làm sao để có được thói quen đọc sách?

Sau khoảng 10 năm đèn sách và đọc khoảng 500 cuốn sách về tâm lí học hành vi, thói quen, mình phát hiện ra hai điều vô cùng quan trọng và cốt lõi. Đó là nếu như muốn thay đổi cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn thì chúng ta phải thay đổi nhận thức. Nhưng để duy trì sự thay đổi đó, chúng ta phải có thói quen. Đây là điều cốt lõi mà mình muốn nói trong bài học về thay đổi thói quen này.

Ngày xưa khi là con nít, mình rất thích uống nước ngọt và chắc bạn cũng như vậy. Với bọn con nít tụi mình vào thời điểm đó, nước ngọt là một thứ nước uống thần dược, tiên dược. Uống nước ngọt lúc đó nó thích lắm. Còn nhớ mình hay căn hết hạt dưa, bỏ vào li nước ngọt, uống rồi ăn từ từ.

Nước ngọt như món quà lớn với tụi con nít như mình thời bấy giờ

Ngày đó, những bạn nhà có điều kiện mới được uống nước ngọt. Những đứa trẻ như tụi mình thì đến Tết mới có. Nhưng khi lớn lên, mình phát hiện ra rằng nước ngọt rất độc hại. Đúng ra nên gọi là nước đường hóa học. Khi đó nhận thức của mình thay đổi. Nhưng lúc này thì mình đã có thói quen uống nước ngọt trong một khoảng thời gian rất dài. Mặc dù đã có nhận thức mới, nhưng để thói quen của mình thay đổi, cũng cần một khoảng thời gian rất dài. Nhận thức là vậy nhưng mình không biết cách thay đổi thói quen nên mỗi lần đi ăn uống lại tiếp tục uống nước ngọt. Cho tới lúc học được phương pháp thay đổi thói quen thì mình mới bỏ hẳn thói quen uống nước ngọt.

Một vài ví dụ minh họa để các bạn hiểu rõ ràng hơn. Những người thừa cân biết rằng nếu họ bị béo phì, thừa cân quá nhiều thì rất dễ bị mắc bệnh về tim mạch, tiểu đường, cơ thể rất khó để vận động. Về lâu dài thì không tốt cho sức khỏe. Nhận thức là như vậy nhưng để thay đổi, duy trì được sự thay đổi thì họ không làm được. Đó là lí do họ thử phương pháp Low Carb này, Low Carb nọ, rất nhiều phương pháp khác nhau. Rồi họ vẫn mập lên tại vì thói quen ăn uống không hề thay đổi.

Mình nghĩ người đàn ông nào cũng biết hút thuốc lá có hại cho bản thân và gia đình. Thậm chí bao thuốc lá có ghi rất rõ “Hút thuốc là có hại cho sức khỏe” và hình ảnh trên bao thuốc lá rất ghê, những người ốm yếu, những bộ phận bị hư, bị đen sì bởi khói thuốc. Nhưng họ vẫn không bỏ thuốc mà vẫn hút. Có thể họ đã thử bỏ một vài lần nhưng vì không biết phương pháp nên mọi thứ lại trở về như cũ.

Người Việt Nam có một thói quen rất tệ, đó là đến trễ. Mặc dù biết đến trễ là đáng xấu hổ và gây ảnh hưởng đến những người khác, họ vẫn thường xuyên đến muộn bởi vì đã quen rồi. Mình đã có thói quen về chuyện đó rồi và không biết cách để thay đổi.

Dù nhận biết được, nhưng chúng ta cũng khó thay đổi hoặc tạo dựng một thói quen mới

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ đến các bạn phương pháp ngắn nhất để các bạn có thể thay đổi được thói quen. Nếu muốn học chi tiết hơn thì bạn có thể tham khảo thêm học khóa học Kỹ năng thay đổi thói quen mà mình đã hướng dẫn ở truongvuilen.com.

Quay lại bài viết, chúng ta bắt đầu với việc thay đổi thói quen với các bước dưới đây.

Bước 1: CHỌN 1 THÓI QUEN BẠN MUỐN THAY ĐỔI

Hãy nhớ là chỉ 1 thói quen duy nhất thôi.

Ví dụ như việc thay đổi lối sống.

Bạn được truyền cảm hứng bởi một ai đó xong bạn về thay đổi toàn bộ cuộc sống của bạn, từ việc thức dậy, tập thể dục, có thói quen đọc sách mỗi ngày, đến thái độ ứng xử. Được 2 – 3 tuần thì thất bại ngay lập tức.

Hoặc bị ba mẹ mắng: “ Mày là đồ lộn xộn” thì ngay lập tức bạn tức giận, gồng mình lên. Sống gọn gàng hơn, dọn dẹp phòng liên tục, giặt quần áo mỗi ngày, rửa bát ngay sau khi ăn. Nhưng thông thường được khoảng mấy tuần rồi đâu lại vào đấy.

Bạn thấy không, bạn đang gồng mình thay đổi quá nhiều thứ trong cùng một lúc. Vì vậy bạn cần nhớ, chỉ chọn duy nhất một thói quen. Đừng chọn quá nhiều. Bạn cần thay đổi 1 thói quen duy nhất trong một thời điểm.

Bước 2: THỰC HIỆN Ở PHIÊN BẢN DỄ NHẤT CÓ THỂ

Đừng làm khó nhất có thể, hãy làm dễ nhất có thể. Khi bạn làm một cái gì đó đơn giản thì nó dễ dàng hơn rất nhiều. 

Ví dụ, để có thói quen chạy bộ, lần đầu thay vì chạy 10km, bạn chỉ nên bắt đầu với 200 hoặc 300m. Như vậy. mỗi lần làm được, là một lần bạn thêm tự tin. Vì bạn nói được làm được. Thông thường, chúng ta đã thất hứa với bản thân quá nhiều. Bạn hãy nhớ lại cái đồng hồ báo thức. Mỗi sáng bạn hứa rằng sẽ dậy sớm, và khi đồng hồ reo thì bạn tắt nó đi mất. Chúng ta vốn không để ý đến những điều này. Nhưng mỗi lần làm như vậy, bạn đang cộng thêm một lần thất hứa với chính mình.

Hãy thử nghĩ về một người bạn đã thất hứa với bạn 2 – 3 lần. Liệu bạn có còn tin tưởng người bạn ấy nữa không? Chắc chắn là không. Nhưng với chính mình, đã bạn lừa bản thân của mình đến cả trăm cả ngàn lần. Vì vậy, hãy làm cái gì đó dễ dàng. Vì dễ nên mỗi lần làm được thì mức độ tự tin của bạn tăng lên. Mỗi lần sự tự tin của mình tăng lên, là một lần bạn tin tưởng bản thân.

Khởi đầu nhẹ nhàng sẽ giúp bạn đi xa hơn

Sau đó bạn sẽ tăng dần mức độ thực hiện thói quen lên để đạt được phiên bản cuối cùng theo mong muốn ban đầu mình. Ví dụ, mục tiêu của bạn là chạy 2km mỗi ngày. Bạn nên bắt đầu với100m, 200m, 300m rồi tăng dần lên 500m, 1km, 2km. Từng bước từ từ như vậy sẽ giúp bạn thấy rất đơn giản và dễ chịu hơn.

Vợ mình ngày xưa là một người chưa bao giờ chạy quá 1km nhưng sau 3 tháng tập luyện với mình, bạn ấy đã hoàn thành chặng Half Marathon 21km.

Đừng làm gì lớn lao. Hãy làm những thứ nho nhỏ, đơn giản, để tăng dần sự tự tin cho bạn.

Bước 3: TÌM MỘT NGƯỜI NHẮC NHỞ

Tìm một ai đó hoặc một nhóm nào đó để nhắc nhở, răn đe khi bạn quên thực hiện thói quen của mình. 

Con người rất sợ ánh mắt của người khác nhìn vào mình. Vì vậy, nếu bạn có ai đó giám sát ví dụ như ba mẹ, người yêu, đồng nghiệp thì bạn sẽ tăng dần được khả năng thực hiện thói quen của mình. Tăng khả năng ngày hôm đó bạn thực hiện được thói quen đó. Nếu bạn muốn âm thầm làm một mình, hãy chắc rằng bạn là một người có ý chí tốt. Nếu không, bạn sẽ âm thầm bỏ qua thói quen đó.

Bước 4: CHỌN THỜI ĐIỂM/ SỰ KIỆN THỰC HIỆN THÓI QUEN

Chúng ta thường hay quên. Vì vậy bạn cần chọn một thời điểm nào đó trong ngày cho thói quen của bạn. Ví dụ như 6h, 7h, 12h, tới đúng thời gian đó thì chúng ta đi thực hiện thói quen. Bạn cũng có thể chọn một sự kiện trong ngày mà bạn chắc chắn sẽ làm để thực hiện thói quen của mình. Ví dụ trong một ngày, ai cũng đánh răng, đi tắm, ăn cơm,… bạn chọn những thời điểm đó để thực hiện thói quen.

Chọn một mốc thời gian hoặc sự kiện trong ngày để bạn không quên việc thực hiện thói quen

Sau khi đánh răng xong bạn sẽ tập thể dục. Về đến nhà sau một ngày làm việc bạn sẽ tập thể dục. Sau khi ăn chiều bạn sẽ đi bộ khoảng 10’ – 15’. Sự kiện sẽ nhắc nhở bạn và khi ăn cơm chiều xong bạn sẽ nhớ rằng mình phải đi bộ.

Lưu ý về mặt thời gian

Để một thói quen hình thành, trung bình mất 66 ngày. 

Nếu tìm kiếm trên mạng, bạn sẽ thấy chỉ 21 ngày, 28 ngày hoặc 30 ngày cho một thói quen mới. Đó là những con số không chính xác. Nó cũng là lí do khiến bạn kiên trì trong nửa tháng nhưng vẫn không có thói quen nào hình thành. Đơn giản là thói quen của bạn chưa được lặp đi lặp lại đủ. Và đủ ở đây là khoảng tầm 66 ngày.

Một ví dụ cụ thể cho bạn như sau. 

Mình rất khuyến khích mọi người đọc sách. Vì vậy, mình sẽ hướng dẫn cho bạn có thói quen đọc sách trong năm này.

Bước 1: Chúng ta phải chọn ra được 1 thói quen.

Thói quen của chúng ta là đọc sách mỗi ngày 30 phút. 30 phút mỗi ngày có nghĩa là 1 tuần bạn sẽ đọc khoảng 210 phút tương đường khoảng 3 – 4 tiếng. Với 3 – 4 tiếng bạn sẽ hoàn thành được 1 cuốn sách trong 8 hoặc 9 ngày. 

Với thói quen đọc sách 30 phút mỗi ngày, sau 1 năm bạn sẽ đọc được khoảng 30 cuốn sách. 30 cuốn sách là một khối lượng sách rất lớn đối với người Việt Nam của mình thậm chí là trên thế giới. Người Việt Nam hiện tại đang đọc 0.84 cuốn sách/năm chưa được 1 cuốn sách. Bạn cũng thấy nó rất thấp mà phải không. 

Đặt mục tiêu cho thói quen nào

Nếu như bạn đọc khoảng 30 cuốn sách 1 năm thì bạn đã có thói quen đọc giống những quốc gia phát triển trên thế giới rồi. Với 30 cuốn sách 1 năm, mình tin là khối lượng kiến thức, sự mở mang đầu óc của bạn sẽ rất nhiều.

Bước 2: Chọn phiên bản đơn giản nhất của thói quen và sau đó tăng từ từ.

Đừng đọc liền 30 phút trong ngày đầu tiên. Sẽ rất khó. Nhiều bạn được truyền động lực và rất hăng hái trong những ngày đầu tiên. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy.

Điều bạn cần làm là đọc 2 phút hoặc nếu bạn giỏi thì là 5 phút. Chỉ 2 phút mỗi ngày, khoảng 3 – 4 trang bạn có thể đọc được. Và mỗi lần làm được bạn sẽ tự tin hơn.

Tuần đầu tiên đọc 2 phút. Đến khi bạn thấy 2 phút trở nên nhẹ nhàng, không cần gồng ép, bạn có thể tăng dần lên 5, 7 rồi 10 phút. Đừng vội vàng, vì bạn đã không đọc sách trong vòng 20, 30 năm rồi. Chậm mà chắc, bạn nha. Khi bạn đã có được thói quen đọc rồi, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình thay đổi rất nhiều.

Bước 3: Tìm 1 ai đó để nhắc nhở không thì chúng ta sẽ quên. 

Mình nghĩ người hợp lí nhất để bạn nhờ là sếp của bạn, người quản lí trực tiếp của bạn ở trong công ty. Với áp lực của sếp hoặc quản lí của bạn thì rất khó để bạn không làm thói quen. Bạn trai, bạn gái, người yêu của bạn cũng tốt. Người yêu của bạn là người rất quyền lực bởi ngày nào cũng bên cạnh bạn và người đó sẽ là một nguồn nhắc nhở rất tốt của bạn. 

Một người bạn cùng tiến là gợi ý bạn có thể cân nhắc

Nếu như bạn không có sếp thì bạn có thể nhờ ba mẹ. Chắc là họ sẽ chửi tưng bừng nếu bạn không làm, haha. Nói gọn lại thì, nếu bạn có một nguồn nhắc nhở đáng tin cậy thì việc bạn thực hiện thói quen của mình sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Bước 4: Chọn 1 thời điểm hoặc 1 sự kiện để thực hiện thói quen của bạn

Ví dụ như cá nhân mình thường đọc sách sau khi ngủ dậy. Đó là một cơ chế. Khi đã thành thói quen thì bạn không cần cố gắng gì cả. Chỉ cần ngủ dậy bạn sẽ đọc sách.

Bạn cũng có thể chọn mốc riêng của mình. Sau khi ăn trưa xong đọc sách một chút xíu hoặc trước khi đi ngủ, đọc sách một chút xíu. Chỉ cần có cơ chế đó, thói quen của bạn sẽ dễ hình thành hơn rất nhiều.

Bạn cũng có thể tập theo thời gian, ví dụ như 8h bạn vào công sở. Sau khi vào văn phòng, việc đầu tiên bạn làm là đọc sách. Hoặc 9h 10h, chọn một khung thời gian nào đó tùy theo bạn. Bạn có thể chọn sự kiện hoặc khung thời gian, cái nào thuận tiện cho bạn là tốt nhất.

Và cuối cùng, hãy duy trì thói quen này trong vòng 66 ngày. Bạn cần nhớ là 66 ngày, không cần dài hơn nhưng đừng ít hơn 66 ngày. Sau 66 ngày, bạn sẽ rất ngạc nhiên vì thói quen mới của mình chỉ trong hai tháng. Nếu kiên trì, sau một năm bạn đã có được năm thói quen mới. Tưởng tượng xem, sau một năm bạn sẽ có những thói quen như: tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh, đọc sách mỗi ngày, có thói quen thiền định, sử dụng mạng xã hội một cách đúng mực. Lúc đó cuộc sống của bạn sẽ hoàn toàn thay đổi.

Bạn thấy không, chỉ có 5 thói quen như vậy mà nó đã biến bạn thành một con người vô cùng lành mạnh rồi. Rất đáng đúng không? Mình hi vọng bạn có thể thực hiện được một thói quen tốt nào đó trong năm này.

Khi đã có được thói quen đọc sách, nếu bạn quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả khi đọc sách, bạn có thể tham khảo thêm tại đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published.